5 vấn đề 'nóng' khi Tổng thống Trump đặt chân tới Israel

Tổng thống Mỹ Donald Trump sáng 22/5 theo giờ địa phương chính thức bắt đầu chuyến thăm Israel, điểm đến được đánh giá là “dễ dàng nhất” trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông.

Như giới quan sát đánh giá, ông Trump trong thời gian tranh cử đã bộc lộ chính sách ủng hộ Israel và việc ông đắc cử cũng được nước đồng minh Trung Đông này hoan nghênh. Việc ông bổ nhiệm ba nhân vật là người Do thái chính thống vào nội các của mình -  Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman, con rể Jared Kushner làm trợ lý cấp cao Nhà Trắng và cố vấn Jason Greenblatt về quan hệ Israel – cũng nhằm củng cố sự ưu ái đối với Israel.

“Chúng tôi không có người bạn nào tuyệt vời hơn ông Donald Trump”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chia sẻ với phóng viên sau cuộc gặp với ông Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 2.

Sau Saudi Arabia, điểm đến tiếp theo trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Trump là nước đồng minh Israel.

Tuy nhiên hiện tại, sau một số khúc mắc giữa hai bên như việc đặt trụ sở Đại sứ quán Mỹ hay tranh cãi ngoại giao về Bức tường phía Tây, kênh truyền hình NBC News đã đăng bài phân tích cho rằng sự ủng hộ từng rõ mồn một của Israel đối với chính quyền Trump có lẽ cũng bị biến động đôi chút, đòi hỏi ông Trump phải “ra tay”.

1.  Lộ tin tình báo

Tuần trước, ba quan chức chính phủ Mỹ đã “tố” với kênh NBC News rằng thông tin tình báo tuyệt mật của Israel đã được ông Trump hé lộ với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong buổi họp kín tại Nhà Trắng ngày 10/5.Song chính quyền Mỹ đã bác bỏ cáo buộc này.

Cố vấn an ninh Quốc gia, tướng 3 sao H.R. McMaster khẳng định với báo giới rằng các thông tin chống khủng bố mà ông Trump trao đổi cùng Ngoại trưởng Nga là “hoàn toàn chấp nhận được”. Phản ứng về về vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Liberman cho hay: “Quan hệ an ninh giữa Israel và đồng minh lớn nhất của chúng tôi là Mỹ, rất sâu sắc, ý nghĩa và chưa từng có”.

Tuy nhiên, cựu giám đốc cơ quan tình báo của Israel, ông Danny Yatom từng nói với một đài phát thanh ở Tel Aviv rằng, nếu bê bối này là sự thật, vụ chia sẻ tin mật của Tổng thống Trump với Nga có thể gây “thiệt hại nặng nề” đối với an ninh của Israel cũng như Mỹ, đặc biệt là khi nó tới được tai các kẻ thù. ‘”Sẽ có một sự đánh mất niềm tin giữa cơ quan tình báo hai bên”, ông Yantom nói.

2. Bức tường phía Tây

Các tín đồ cầu nguyện dưới chân Bức tường phía Tây ở thành cổ Jerusalem. Ảnh: Getty

Bức tường phía Tây tại thành cổ Jerusalem, hay còn gọi là Bức tường Than khóc, là địa điểm cầu nguyện linh thiêng nhất của người Do Thái. Nhà Trắng thông báo ông Trump sẽ là Tổng thống Mỹ tại nhiệm đầu tiên tới thăm khu di tích lịch sử này. Tuy nhiên, chuyến thăm của ông Trump đã gây ra một số tranh cãi giữa hai bên.

Kênh truyền hình Channel 2 của Israel ngày 16/5 đưa tin, trong cuộc họp chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Trump, các nhà ngoại giao Mỹ thông báo với phía Israel rằng việc nhà lãnh đạo Mỹ thăm Bức tường phía Tây là "mang tính cá nhân" do Israel không có thẩm quyền tại khu vực này, nên từ chối đề nghị để Thủ tướng Benjamin Netanyahu đi cùng ông tới đó.

“Đó không phải lãnh thổ của các anh”, một quan chức Mỹ đã nói, “Nó nằm ở Bờ Tây. Đây là chuyến thăm cá nhân của Tổng thống, và không phải chuyện của các anh”.

Tuyên bố này đã chọc tức người Israel, những người đã yêu cầu chính quyền Trump phải lên tiếng xác nhận. “Chúng (các bình luận)  không phản ánh lập trường của Mỹ và chắc chắn không phản ánh lập trường của Tổng thống”, một người phát ngôn Nhà Trắng khẳng định.

3. Chuyển Đại sứ quán

Một vấn đề khác thêm phần căng thẳng vào mối quan hệ Mỹ - Israel chính là việc Washington băn khoăn chưa biết đặt trụ sở Đại sứ quán tại đâu, Jerusalem hay Tel Aviv.

Tháng 9 năm ngoái, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump trong chiến dịch vận động tranh cử đã cam kết với chính quyền Netanyahu rằng: “Nước Mỹ, dưới chính quyền Trump, cuối cùng sẽ đảm nhận nhiệm vụ của Quốc hội đã tồn tại lâu nay để công nhận Jerusalem là một thủ đô không chia cắt được của nhà nước Israel”. Liên quan đến sự đảm bảo của ông Trump là lời hứa chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem.

Trụ sở Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv. Ảnh: Reuters

Mỹ đã đặt sứ quán tại Tel Aviv kể từ Israel được thành lập năm 1947, đồng thời do Jerusalem bị xem là khu vực tranh giữa người Palestine và Israel. Tuy nhiên tới năm 1995, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật ủy nhiệm chuyển đại sứ quán tới Jerusalem. Cứ sáu tháng một lần Tổng thống Mỹ phải ký một giấy miễn trừ nhằm trì hoãn việc di chuyển trụ sở sứ quán vì lý do an ninh quốc gia. Lần miễn trừ sắp tới sẽ hết hạn vào ngày 1/ 6, hơn một tuần sau chuyến thăm của ông Trump.

Gần đây, chính phủ Mỹ đã trở nên cẩn trọng hơn trong các phát ngôn về việc di chuyển đại sứ quán. “Tổng thống, tôi cho rằng có lý, đã đưa ra một cách tiếp cận rất cân nhắc để hiểu được bản chất vấn đề, lắng nghe ý kiến của tất cả các bên liên quan trong khu vực, và hiểu được một hành động như thế nào, trong bối cảnh sáng kiến hòa bình, và tác động mà một động thái có thể có”, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu.

Việc chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem là một hành động bị cáo buộc mang động cơ chính trị và sẽ khiến Palestine nổi giận. Người Palestine muốn Đông Jerusalem là thủ đô tương lai và là một phần của chủ quyền lãnh thổ Palestine. Một động thái như vậy sẽ còn tách Mỹ với hầu hết cộng đồng quốc tế, trong đó có cả những đồng minh thân cận nhất ở Tây Âu và thế giới Arab.

4. "Thỏa thuận sau cùng”

Bất chấp tất cả những căng thẳng hiện nay, nhà lãnh đạo Mỹ tin rằng ông có thể dàn xếp “thỏa thuận cuối cùng” giữa
Israel và Palestine.

Hồi đầu tháng này, Tổng thống Trump đã nói với nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas rằng ông đã nghe nói “đây có lẽ là thỏa thuận khó khăn nhất để tiến hành” là duy nhất giữa Israel và Palestine song cảm thấy chính quyền của ông có một “cơ hội rất rất tốt” để thực hiện nó.

“Hãy chờ xem nếu chúng ta có thể tìm được giải pháp. Nó sẽ là thứ gì đó, thẳng  thắn mà nói, có thể không khó khăn như mọi người vẫn nghĩ trong nhiều năm qua. Nhưng chúng ta cần hai bên sẵn lòng”, ông Trump nói với người đồng cấp Abbas.

5. Xây dựng một liên minh mới

Một cơ hội mới để lập ra một liên minh giữa Mỹ, Israel và các nhà lãnh đạo Arab dòng Sunni đã trở nên mạnh mẽ hơn khi các bên cùng chung quan điểm nhìn nhận Iran là một mối đe dọa với an ninh quốc gia.

Các quan chức cấp cao Saudi Arabia đã bày tỏ sự lạc quan về sự thành công từ cách tiếp cận độc đáo của ông Trump và chỉ ra Sáng kiến Hòa bình Arab năm 2002 chính là sự khởi đầu của giải pháp.

“Chúng ta đang ở trên tiền tuyến để đẩy mạnh hòa bình ở Trung Đông”, một quan chức Saudi Arabia nói, “Chúng ta sẽ phải làm việc với chính quyền và các đối tác khu vực khác để đảm bảo rằng chính có tiến trình đáng kể”.

Ngày 20/5, Ngoại trưởng Saudi Arabia phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson rằng: “Chúng tôi tin tưởng (Tổng thống Trump) có sức mạnh và tính quyết đoán và Vương Quốc Saudi Arabia chuẩn bị làm việc với Mỹ nhằm đem lại hòa bình giữa người Israel với người Palestine và người Israel với người Arab”.

Bỏ lại sau lưng những khúc mắc xảy ra trong vài tuần qua, Washington và Tel Aviv sẽ cố gắng thể hiện tốt nhất trong thời điểm Tổng thống Donald Trump công du Israel. Tổng thống Netanyahu ngày 21/5 phát biểu trước nội các: “Ngài Tổng thống, chúng tôi đang chờ chuyến thăm của ngài. Người dân Israel sẽ chào đón ông với vòng tay rộng mở”.

Hoàng Trang/Báo Tin Tức
Tín hiệu phát đi từ chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tín hiệu phát đi từ chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Chuyến thăm quan trọng tới các nước Trung Đông trong lần công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mang về những hợp đồng trị giá hàng trăm tỉ USD. Nhưng theo Đại tướng Jack Keane, kết quả không chỉ có vậy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN