Tình nguyện viên cắt tóc cho bệnh nhân bị bỏng tại giường bệnh. |
“Salon tóc” đặc biệtBăng ca là ghế tựa, các tình nguyện viên là thợ cắt tóc, bệnh viện biến thành salon tóc phục vụ bệnh nhân hoàn toàn miễn phí, đó là những hình ảnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong những Ngày Chủ nhật chia sẻ yêu thương - một chương trình định kỳ được tổ chức 2 tháng một lần tại đây.
Ngồi trên băng ca để tình nguyện viên cắt tóc, gội đầu, anh Phạm Văn Tài, một bệnh nhân bị gãy chân trái đang điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết, đây là lần đầu tiên anh được phục vụ ngay trên băng ca như thế này.
Còn bà Phạm Thị Uyên, 57 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng đang điều trị tại Khoa Nội thận vừa được một tình nguyện viên gội đầu, massage, vừa chăm chú xem biểu diễn chương trình ca nhạc trên sân khấu. Bà Uyên cho hay: “Vừa xem biểu diễn ca nhạc vừa gội đầu như thế này rất “đã”, các cô ấy vừa gội đầu vừa hỏi rất ân cần xem mình có bị đau không, có cần nhẹ tay không”.
Thoải mái, thư giãn và thỉnh thoảng có những tràng cười vui vẻ với các tiết mục thú vị là nhận xét chung của các bệnh nhân khi vừa được các tình nguyện viên cắt tóc, gội đầu, vừa được xem biểu diễn ca nhạc trong Ngày Chủ nhật chia sẻ yêu thương.
“Nằm bệnh viện lâu ngày rất bức bối, giờ được gội đầu, thư giãn, nghe nhạc thấy tinh thần thoải mái hẳn ra. Phải chi chủ nhật nào cũng được như vậy thì tốt quá”, ông Nguyễn Minh Đăng, 63 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau, đang điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình phát biểu cảm nghĩ.
Không chỉ gội đầu, cắt tóc cho các bệnh nhân tại sảnh cấp thuốc bảo hiểm y tế của bệnh viện, các tình nguyện viên và nhân viên công tác xã hội còn ân cần đến tận giường bệnh để cắt tóc, gội đầu cho những bệnh nhân bệnh nặng, không di chuyển được.
Nhập viện tại Khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình gần 2 tháng do bị bỏng xăng cũng là ngần ấy thời gian chị Ngô Thị Nguyên, ngụ tỉnh Long An, chưa được gội đầu. Bị thương đến 45% cơ thể nên dù đã phải cắt mái tóc dài, nhưng chị vẫn thấy khó chịu khi lâu ngày không được gội đầu. “Mình không dám gội đầu vì sợ dính nước rồi nhiễm trùng, nay được mấy cô này gội đầu giúp thấy thoải mái hẳn”, chị Nguyên cười nói.
“Liều thuốc” giúp bệnh nhân vơi đớn đauNói về sự ra đời của Ngày Chủ nhật chia sẻ yêu thương, Thạc sỹ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, 9 năm qua, Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện có nhiều hoạt động hỗ trợ bệnh nhân nghèo như hỗ trợ đóng viện phí, cung cấp suất ăn miễn phí mỗi ngày, hỗ trợ phương tiện vận chuyển khi xuất viện… Tuy nhiên, với mong muốn góp chút niềm vui nho nhỏ nhằm động viên tinh thần bệnh nhân trong những ngày nằm viện, từ năm 2017, đơn vị đã phối hợp với Câu lạc bộ Nhịp sống yêu thương và Nhà văn hóa Phụ nữ Thành phố thực hiện chương trình Ngày Chủ nhật chia sẻ yêu thương.
Khi mới ra đời, Ngày Chủ nhật chia sẻ yêu thương chỉ đơn giản là huy động các tình nguyện viên cắt tóc, gội đầu cho bệnh nhân kèm theo một vài tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Tuy nhiên, thành công ngoài sự mong đợi của chương trình đầu tiên đã khiến các thành viên Phòng Công tác xã hội “thừa thắng xông lên”, lên kế hoạch tổ chức những kỳ tiếp theo.
Cũng từ đó, cứ hai tháng một lần, sảnh cấp thuốc Bảo hiểm y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy đã trở thành một salon tóc, một sân khấu “mang âm nhạc đến bệnh viện” đặc biệt vào ngày Chủ nhật giữa tháng. Đây cũng là chương trình được nhiều bệnh nhân ngóng đợi.
“Mình rất ấm lòng vì khi đến Sài Gòn chữa bệnh, nhận được sự quan tâm của mọi người, được nghe hát, được cắt tóc, gội đầu, được phát cơm miễn phí, mình không còn cảm giác bơ vơ nữa”, anh Lý Văn Đậm, bệnh nhân đang điều trị tại khoa Phỏng cho hay.
Bệnh nhân di chuyển khó khăn được cắt tóc ngay trên băng ca trong Ngày chủ nhật chia sẻ yêu thương.
|
“Điều ý nghĩa nhất là tất cả mọi người khi đến phục vụ cô, bác bệnh nhân đều trên tinh thần tình nguyện. Tình nguyện nhưng không qua loa đại khái. Chúng tôi luôn tâm niệm gom nhặt thêm thật nhiều yêu thương để được chia sẻ đến nhiều bệnh nhân hơn”, một thành viên Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.
Những cử chỉ nhẹ nhàng kèm những lời thăm hỏi ân cần của các tình nguyện viên khiến bệnh nhân cảm thấy ấm lòng. Chị Uyên, một tình nguyện viên của Nhà văn hóa Phụ nữ thành phố vừa gội đầu cho bệnh nhân vừa nói: Phục vụ cô, bác bệnh nhân càng phải cẩn trọng và nhẹ nhàng hơn so với phục vụ khách hàng, bởi sức khỏe của bệnh nhân đang rất yếu, lại có nhiều vết thương, nếu không khéo bệnh nhân có thể bị đau hoặc bị nhiễm trùng, lúc đó việc làm tình nguyện sẽ không còn giá trị.
Biểu diễn phục vụ bệnh nhân trong Ngày Chủ nhật chia sẻ yêu thương lần 8, nghệ sĩ Hoàng Dũng, Đoàn Xiếc TP Hồ Chí Minh cho hay, mỗi khi đứng trên sân khấu đặc biệt như thế này, anh cảm thấy màn biểu diễn của mình như thăng hoa hơn. “Góp một chút công sức để các bệnh nhân được thoải mái tinh thần, để họ quên đi bệnh tật là một niềm vui khó diễn tả bằng lời”, nghệ sĩ Hoàng Dũng tâm sự.
Nghệ sĩ Hoàng Dũng - Đoàn xiếc TP Hồ Chí Minh biểu diễn tại Ngày chủ nhật chia sẻ yêu thương. |
“Mỗi chương trình chúng tôi lại cố gắng tạo thêm một điểm nhấn mới nhằm phục vụ tốt hơn cho người bệnh như hỗ trợ thêm suất ăn miễn phí, thêm phần giao lưu giữa bệnh nhân và bác sỹ, các tiết mục biểu diễn văn nghệ cũng đa dạng hơn với nhiều thể loại hát, múa, ảo thuật, xiếc, biểu diễn võ thuật…”, Thạc sĩ Lê Minh Hiển cho biết thêm.
Nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến góp sức bằng những phần quà thiết thực. Chương trình Ngày Chủ nhật chia sẻ yêu thương nhận được ngày càng nhiều tình cảm yêu thương và sự sẻ chia. Đến nay, sau 8 lần tổ chức, chương trình đã phục vụ hơn 1.000 lượt người bệnh, cung cấp hơn 700 suất ăn miễn phí và trao tặng nhiều phần quà thiết thực.
Theo Thạc sĩ Lê Minh Hiển, sắp tới những Ngày Chủ nhật chia sẻ yêu thương sẽ có thêm bộ môn yoga cười. Các bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tập luyện yoga cười bởi đây không chỉ là liệu pháp thư giãn tinh thần mà còn là liệu pháp trị liệu hiệu quả, nhất là đối với những bệnh nhân mắc bệnh ung thư.
“Chúng tôi không đong đếm hiệu quả bằng việc thực hiện bao nhiêu chương trình, có bao nhiêu tiết mục mà những nụ cười, sự thoải mái, thậm chí là cả những giọt nước mắt vui sướng của người bệnh là kết quả mà Ngày Chủ nhật chia sẻ yêu thương luôn hướng đến”, Thạc sĩ Lê Minh Hiển chia sẻ.