Theo đó, xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 8 đạt 2,47 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước, qua đó nâng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 8 tháng đầu năm 2016 lên 15,64 tỷ USD, tăng 5,5% (tương đương tăng 812 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2015.
“Ba thị trường lớn là Mỹ, châu Âu và Nhật không kích thích người tiêu dùng; đồng thời tình hình kinh tế thế giới bất ổn thời gian qua cũng tác động mạnh đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh giữa các nước trong khu vực như Campuchia, Myanma dẫn đến có sự dịch chuyển đơn hàng”, ông Hồng cho biết.
Họp báo Triển lãm quốc tế lần thứ 16 về máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu ngành công nghiệp dệt và may – VTG 2016. |
Theo ông Hồng, để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh được trong thời gian tới thì cần có sự đổi mới, đầu tư máy móc thiết bị để hạ giá thành; đồng thời chuyển hướng cạnh tranh sang làm FOB (mua nguyên liệu, tự sản xuất và bán hàng trực tiếp không qua trung gian), bởi làm gia công hiện nay có lời là cực kì khó.
Được biết, từ ngày 23-26/11 tới tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (quận 7, TP Hồ Chí Minh) sẽ diễn ra triển lãm quốc tế lần thứ 16 về máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu ngành công nghiệp dệt và may – VTG 2016 với hơn 250 đơn vị tham gia đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ như Thái Lan, Nhật Bản, Đức, Italy, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Triển lãm sẽ giới thiệu các loại máy móc mới, hiện đại trong ngành dệt may như máy dệt, máy may, máy cắt vải tự động, các loại phụ kiện, hoá chất và máy móc in ấn… Theo AGTEK, đây là cơ hội để các doanh nghiệp ngành dệt may tìm hiểu, đầu tư máy móc để thay đổi cách thức sản xuất nhằm tăng khả năng cạnh tranh của mình trong thời gian tới.