Xây dựng sân bay Long Thành là cảng hàng không quốc tế lớn - Bài cuối: Ổn định cuộc sống của người dân

Xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ mang lại cho tỉnh Đồng Nai nhiều cơ hội tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo quy hoạch được duyệt, diện tích đất dành cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.000 ha. Sau khi rà soát lại báo cáo đầu tư Dự án theo phương án phân kỳ đầu tư, nhu cầu sử dụng đất cho Dự án là 2.750 ha (chỉ tính diện tích đất cần thiết cho các hạng mục hàng không thiết yếu của cảng hàng không), không bao gồm diện tích đất cho quốc phòng và đất dành cho các hạng mục phụ trợ và đầu tư xây dựng khu công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác (khoảng 1.200 ha).

UBND tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch 2 khu tái định cư, nằm gần đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Tràng Dương-TTXVN


Để đảm bảo tiến độ và tiết kiệm kinh phí, trong Báo cáo tiền khả thi, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị giải phóng mặt bằng một lần cho 2.750 ha với kinh phí khoảng 9.540 tỷ đồng. Đối với phần diện tích chưa xây dựng trong Giai đoạn 1, Chủ đầu tư sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai xem xét cho phép người dân địa phương tiếp tục khai thác canh tác ngắn ngày để phát triển kinh tế gia đình, tránh để đất trống gây lãng phí.

Ông Nguyễn Đồng Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết: Tại huyện Long Thành, 4.370 hộ dân và 25 tổ chức trên địa bàn các xã Bình Sơn, Long An, Suối Trầu, Cẩm Đường, Long Phước, Bàu Cạn sẽ bị ảnh hưởng khi triển khai dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đa số người dân trong vùng dự án sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp.

Từ đầu năm 2014, các công việc chuẩn bị cho chủ trương đầu tư dự án này đã được tỉnh Đồng Nai triển khai theo đúng quy trình. Để chuẩn bị tốt các điều kiện, tỉnh Đồng Nai đã tiến hành việc điều tra thông tin, tham vấn cộng đồng để xây dựng đề án bố trí tái định cư, giải quyết việc làm, tổ chức lại cuộc sống của người dân thuộc diện di dời, giải tỏa để thực hiện dự án. Kết quả tham vấn cho thấy, hầu hết các hộ dân trong vùng ảnh hưởng của dự án đều đồng tình với chủ trương thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đề nghị sớm thực hiện dự án để họ ổn định cuộc sống.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã quy hoạch 2 khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn cho Dự án với tổng diện tích 282,35 ha, trên khu đất hiện do Tổng công ty Cao su Đồng Nai quản lý, sử dụng. Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn sẽ được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng, điện nước và các công trình công cộng để đảm bảo điều kiện sống cho các hộ dân được bố trí tái định cư do bị giải tỏa trắng thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Vị trí xây dựng khu tái định cư nằm ở phía Bắc Cảng hàng không, cạnh các trục đường giao thông chính như: Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, tỉnh lộ 769; gần khu dân cư hiện hữu, các công trình công cộng như trường học, chợ và Khu Công nghiệp Lộc An - Bình Sơn, An Phước, Nhơn Trạch 1, 2, 3, Cụm công nghiệp Bình Sơn, là những nơi giải quyết việc làm cho người dân sau khi bị thu hồi đất thực hiện dự án. Tỉnh cũng bố trí 4,5 ha để xây dựng công trình của các cơ quan và các cơ sở tôn giáo; lên phương án đầu tư xây dựng các nghĩa địa để di dời mồ mả thuộc dự án.

Dự kiến, các khu công nghiệp sẽ giải quyết việc làm cho trên 57.000 lao động. Bên cạnh đó, quá trình triển khai xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ cần khoảng 20.000 lao động. Vì vậy, nhu cầu lao động trên sẽ đảm bảo được việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân có đất bị thu hồi thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tỉnh Đồng Nai đang xây dựng Đề án Bố trí tái định cư, giải quyết việc làm để tổ chức lại cuộc sống của các hộ dân thuộc diện giải tỏa thuộc Dự án để trình Chính phủ phê duyệt làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm sớm ổn định cuộc sống của người dân bị thu hồi đất khi triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Chủ trương đầu xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành có ý nghĩa quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Chủ trương đầu tư dự án này khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, nếu hoàn thành sớm, khoảng hơn 7 năm nữa, Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 sẽ được đưa vào sử dụng.

Hương Thủy
Xây dựng sân bay Long Thành là cảng hàng không quốc tế lớn - Bài 3
Xây dựng sân bay Long Thành là cảng hàng không quốc tế lớn - Bài 3

Kinh nghiệm của các quốc gia khác cho thấy, việc phát triển các cảng hàng không trở thành trung chuyển quốc tế cần theo lộ trình từng bước và phải có những chính sách hỗ trợ phù hợp của Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN