Do đó, việc điều phối cấp nước và kiểm soát hiệu quả nguồn nước tưới tiêu cho nông dân mùa nắng hạn là một trong những giải pháp quan trọng, phần nào mang lại hiệu quả, đảm bảo nguồn nước tưới thường xuyên, liên tục, đảm bảo kịp thời mùa vụ của người dân.
Tây Ninh hiện có 4 hồ chứa nước; trong đó, lớn nhất là hồ Dầu Tiếng, rộng hơn 27 km2, dung tích 1,58 tỷ mét khối nước, là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, trải dài qua địa phận 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước, có vai trò rất lớn về nông nghiệp trong vùng Đông Nam bộ. Cùng với đó là 10 trạm bơm điện, 1.759 tuyến kênh tưới, 365 tuyến kênh tiêu và 24 tuyến đê bao… phục vụ nhu cầu cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp cho khoảng 150.270 ha/3 vụ (khoảng 75% diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh).
Chính nhờ hệ thống thủy lợi cơ bản hoàn chỉnh, đầy đủ với lượng nước phong phú, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt của người dân quanh năm. Đặc biệt, với hệ thống thủy lợi cung cấp nước tưới qua các tuyến kênh nội đồng, hiện người dân rất thuận lợi trong việc bơm tưới vào đồng ruộng.
Những ngày này, tại các địa phương, nông dân Tây Ninh đội nắng nóng gần 40 độ C để chuẩn bị đất, xuống giống vụ Hè Thu kịp trong tháng 4, 5 và kết thúc trước ngày 15/6/2024 để không ảnh hướng tiến độ vụ tiếp theo. Vụ Hè Thu 2024, dự kiến nông dân tỉnh Tây Ninh sản xuất khoảng 49.800 ha.
Tại huyện Châu Thành, dù nắng hạn nhưng người dân vẫn đang tích cực chuẩn bị đất xuống giống lúa nhờ có Dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông. Theo đó, Dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông (có tổng chiều 117,8 km) hiện đã hoàn thành giai đoạn 1. Dự án có nhiệm vụ đưa nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông cung cấp nước tưới cho gần 17.000 ha đất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho cư dân 2 huyện biên giới Bến Cầu, Châu Thành.
Ông Nguyễn Văn Dũng (51 tuổi, ngụ xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) cho biết, trước đây khi chưa có công trình thủy lợi, ông phải tốn chi phí tưới từ 1 – 2 triệu đồng trên mỗi ha đất sản xuất. Thế nhưng, hơn 1 năm qua, nông dân xã Hảo Đước không còn phải lo chuyện thiếu nước tưới nữa, kể cả mùa hạn.
Trước đây, do vị trí địa lý đặc thù, khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông với địa hình bị chia cắt với hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng bởi sông Vàm Cỏ Đông nên toàn bộ vùng sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân tại 2 huyện biên giới Châu Thành (gồm các xã Hòa Hội, Thành Long, Ninh Điền, Long Vĩnh) và Bến Cầu (xã Long Phước, Long Khánh, Long Chữ) chủ yếu dựa vào thủy triều ven sông Vàm Cỏ Đông hoặc phụ thuộc vào tự nhiên. Điều này khiến vùng diện tích sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông thường xuyên “khát nước” vào mùa khô.
Tuy nhiên, từ vụ Đông Xuân năm 2022-2023, sau khi Dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông (giai đoạn I) hoàn thành, đã phát huy công năng cung cấp nguồn nước sạch từ hồ Dầu Tiếng, giúp “giải hạn” cho phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp. Cũng nhờ đó, đã giúp người dân tăng số vụ canh tác, tăng lợi nhuận, đồng thời phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống.
Dưới nắng gắt như thiêu đốt, ông Trần Văn Thái (55 tuổi, ngụ xã Long Phước, huyện Bến Cầu) cho biết, dù nguồn nước tưới dồi dào nhưng ông và người dân địa phương vẫn luôn nhắc nhau sử dụng tiết kiệm bởi người dân vẫn chưa biết chắc chắn khi nào trời sẽ bắt đầu đổ mưa trước thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện tại.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, nhờ các công trình thủy lợi được đầu tư đồng bộ, hiện trên địa bàn đã cung cấp nước tưới đến hơn 120.000 ha đất nông nghiệp. Do có lượng nước tưới qua các tuyến kênh trực tiếp tới đồng ruộng dồi dào, người dân không còn bơm nước ngầm nhiều đã giúp tăng lượng nước ngầm tự nhiên, theo đó, những khu vực chưa dù có tuyến kênh đi qua, người dân vẫn có thể lấy nguồn nước ngầm thuận lợi hơn những năm trước.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Xuân, đối với giai đoạn 2 Dự án Tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông (có tổng vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng) sẽ kiên cố hóa kênh chính, xây dựng các tuyến kênh cấp 1, 2, 3. Tuy nhiên, do điều kiện nguồn ngân sách tỉnh hạn chế nên UBND tỉnh Tây Ninh đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh 500 tỷ đồng từ nguồn vốn tăng thu ngân sách trung ương để triển khai, hiện chờ được phân bổ. Sau khi hoàn thiện các hạng mục bê tông hóa khoảng 105 km kênh đất sẽ giúp giảm tổn thất do thấm và tiết kiệm nguồn nước thêm khoảng 2 mét khối/giây, từ đó, giúp diện tích tưới được mở rộng hơn.
Ông Nguyễn Đình Xuân cũng nhấn mạnh, thời gian tới, lượng nước tự nhiên hằng năm sẽ không tăng trong khi nhu cầu cho sinh hoạt và công nghiệp tăng rất nhanh. Do vậy, việc cấp nước cho nông nghiệp cũng cần điều chỉnh cho phù hợp.
Trước hiện tượng nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài, diễn biến khó lường trong thời gian tới, ông Nguyễn Đình Xuân khuyến cáo người dân cần tiết kiệm trong sử dụng nguồn nước tưới, có chế độ tưới nước thông minh để làm giảm thất thoát nước. Đặc biệt, ngành nông nghiệp cũng sẽ tăng cường các biện pháp để giữ rừng đầu nguồn; kiên cố hóa kênh mương cũng như khuyến cáo bà con chuyển đổi cây trồng, cơ cấu lại vùng sản xuất và diện tích sản xuất các loại cây trồng, đảm bảo lợi thế cạnh tranh về điều kiện thổ nhưỡng cho từng loại cây trồng mới có thể sử dụng nước một cách ổn định lâu dài.
UBND tỉnh Tây Ninh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Miền Nam, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Tây Ninh theo dõi, nắm chắc thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có phương án bổ sung nguồn nước từ hồ chứa nước Phước Hòa về hồ Dầu Tiếng để duy trì cấp nước phục vụ tưới tiêu trong thời gian nắng hạn kéo dài; tính toán nguồn nước, xây dựng kế hoạch cấp nước vụ Hè Thu năm 2024.
Đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư: sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng (giai đoạn II); sửa chữa hồ chứa nước Tha La huyện Tân Châu; trạm bơm Tân Long huyện Châu Thành; nạo vét hệ thống kênh mương... để đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới được liên tục, hiệu quả.