BA GIAI ĐOẠN ĐẦU TƯ
Mục tiêu đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành trước hết là để khắc phục tình trạng quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng vận tải hàng không của khu vực.
Vào các khung giờ cao điểm tại sân bay Tân Sơn Nhất, máy bay phải xếp hàng chờ cất/hạ cánh. Ảnh: Bộ GTVT |
Mục tiêu lâu dài là để trở thành cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng bậc nhất của quốc gia, trong tương lai có thể đảm nhận được vai trò là một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo đầu tư Dự án được Bộ Giao thông Vận tải lập phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải nói chung và giao thông vận tải hàng không nói riêng. Trong Báo cáo tiền khả thi đầu tư dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra những cơ sở thực tiễn và tính toán kỹ về tính khả thi của dự án.
Trong giai đoạn lập Báo cáo đầu tư ban đầu, giá trị khái toán cho cả dự án được xác định sơ bộ trên cơ sở suất đầu tư các dự án của Nhật Bản với giá trị là 18,7 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 7,8 tỷ USD (tương đương khoảng 164.589 tỷ đồng).
Sau khi rà soát và tính toán chi tiết trên nguyên tắc áp dụng đơn giá của các dự án có quy mô và yêu cầu kỹ thuật tương tự đã và đang triển khai trên thế giới cũng như trong khu vực, nhưng không làm thay đổi công nghệ, kỹ thuật chung của dự án. Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành trình Quốc hội lần này có tổng mức đầu tư giảm từ 18,7 tỷ USD xuống còn 15,8 tỷ USD và được chia thành các phân kỳ đầu tư.
Bộ Giao thông Vận tải dự kiến dự án sẽ phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dựng 1 đường hạ cất cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5,2 tỷ USD. Dự kiến triển khai trong giai đoạn 2018 - 2025 (phấn đấu hoàn thành sớm dự án, dự kiến vào khoảng năm 2022). Giai đoạn 1 chỉ xây dựng 1 đường hạ cất cánh do vẫn duy trì khai thác Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nên có thể hỗ trợ Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong trường hợp khẩn nguy. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án sau khi rà soát giảm khoảng 2,6 tỷ USD do điều chỉnh lại quy mô, phạm vi giải phóng mặt bằng, giảm hạng mục đầu tư (chỉ đầu tư 1 đường hạ, cất cánh giai đoạn 1) và tính toán chuẩn xác lại suất đầu tư.
Giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư xây dựng đường hạ cất cánh số 2 độc lập, cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đáp ứng công suất 50 triệu khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4 tỷ USD. Dự kiến triển khai trong giai đoạn 2030 - 2035.
Giai đoạn sau cùng hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu khách/năm, 5,0 triệu tấn hàng hóa/năm theo mục tiêu quy hoạch. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6,6 tỷ USD. Dự kiến triển khai trong giai đoạn 2040 - 2050.
Ông Nguyễn Minh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho biết: Dự kiến cơ cấu nguồn vốn giai đoạn 1 là: Vốn ngân sách chiếm 11,1% (dùng cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng các công trình cho cơ quan quản lý nhà nước); vốn ODA chiếm 26,5% (dự kiến dùng cho đầu tư xây dựng các hạng mục khu bay như: đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay); vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là 62,4% (dùng để đầu tư xây dựng các công trình có khả năng thu hồi vốn cao như nhà ga, các hạng mục thương mại...). Theo tính toán của các bộ về dự kiến sử dụng vốn theo từng năm trong giai đoạn triển khai dự án, sẽ ảnh hưởng tới nợ công của dự án là không đáng kể.
Tổng mức đầu tư chỉ liên quan đến việc phân kỳ đầu tư, chi tiết đơn giá tính toán và giảm diện tích sử dụng đất chứ không làm thay đổi quy mô Cảng hàng không, công nghệ - kỹ thuật dự kiến áp dụng cho dự án. Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được nghiên cứu, áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc xây dựng, quản lý và vận hành các cảng hàng không quốc tế trên thế giới đảm bảo năng lực khai thác theo tiêu chí đồng bộ, an toàn, nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả.
Bài 3: Những lợi thế so sánh