Theo ghi nhận tại cánh đồng Gò Ổi, nơi trước đây chuyên trồng sắn, mía, trồng cỏ nuôi bò của 18 hộ dân trong thôn, hiện đã bị cát phủ lấp với độ dày từ 0,8 - 1m, hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng chạy dọc cánh đồng cũng bị vui lấp.
Ông Trần Minh Phụng ở thôn Phú Sơn cho biết, bình thường, đến thời điểm này, gia đình có thể thu hoạch sắn, mía nhưng hiện 8.000m2 đất sản xuất của gia đình tại cánh đồng Gò Ổi đều bị cát phủ dày đặc. Gia đình ông ước tính, mỗi vụ bị mất thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/sào ruộng. Trong khi gia đình không thể tự cải tạo được đất, thời gian tới, đất chỉ biết bỏ hoang ruộng.
Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 Nguyễn Đức Thi, kinh tế của người dân Phú Sơn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Kể từ khi lũ rút, chính quyền địa phương đã tìm nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa có cách nào “cứu” được diện tích đất ruộng bị cát bồi lấp. Người dân đã bỏ ruộng, không sản xuất từ 2 vụ Đông Xuân, vụ Hè Thu.
Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 cho biết, trước mắt, UBND xã đã rà soát, hỗ trợ 10kg gạo đối với một số hộ dân bị ảnh hưởng nhiều khi giáp hạt. Về lâu dài, địa phương mong muốn các cơ quan cấp trên có phương án di chuyển khối lượng cát này để người dân sản xuất. UBND xã không đủ nội lực để xử lý vấn đề này, khi khối lượng cát bao phủ lên đất sản xuất của người dân rất dày, yêu cầu một khoản kinh phí xử lý rất lớn.
Về phía UBND huyện Đồng Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Trung Chánh cho hay, UBND huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND xã Xuân Quang 2 hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để ổn định sản xuất và đời sống để khắc phục khó khăn trước mắt.
Song song đó, huyện đang xây dựng phương án di chuyển toàn bộ khối lượng cát, sau đó tập kết đấu giá theo quy định và sử dụng nguồn kinh phí đấu giá được để cải tạo đất sản xuất cho người dân.
UBND huyện cũng đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Phú Yên hướng dẫn phương án xử lý, khắc phục sớm thiệt hại cho nông dân nhưng đến nay chưa nhận được chỉ đạo chính thức.