Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp người dân sớm có đất sản xuất, nhất là vụ Đông Xuân sắp tới.
Dẫn chúng tôi đi thăm các chân ruộng bị đất đá bồi lấp nặng sau mưa lũ, ông Đỗ Văn Phúc, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) thông tin, toàn xã hiện có hơn 290 ha diện tích đất trồng lúa. Nông dân ở địa phương chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, rau màu và chăn nuôi nhỏ lẻ.
Năm nay, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiên tai liên tiếp xảy ra đã gây thiệt hại lớn về tài sản, cây trồng và vật nuôi của nhân dân. Ủy ban nhân dân xã đã tiến hành rà soát các thôn trong xã, thống kê có tới gần 40 ha diện dích đất ruộng bị đất đá bồi lấp, không thể tiếp tục sản xuất được.
Sau trận mưa lũ lịch sử tháng 10 vừa qua, toàn bộ 4 sào ruộng trồng lúa của gia đình bà Phạm Thị Tâm, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình bị đất, đá và bùn từ thượng nguồn đổ về đọng lại tại chân ruộng dày đặc. Những sào ruộng này của gia đình bà Tâm trước đây tạo nguồn thu nhập chủ yếu để bà Tâm trang trải cuộc sống gia đình nhưng sau lũ. Hiện nay, 3 trong số 4 sào ruộng của gia đình bà Tâm không thể tiếp tục trồng lúa được khiến bà Tâm hết sức lo lắng.
Bà Phạm Thị Tâm cho biết, những năm trước đây, sau mỗi đợt lũ lụt đều mang một lượng phù sa màu mỡ về làm cho cây trồng phát triển tốt và góp phần mang lại năng suất cao. Năm nay, lụt lớn, mưa nhiều đã khiến nhiều đất đồi, đá sỏi bị xói lở, theo dòng nước lũ từ thượng nguồn đổ về bồi lấp rất nhiều chân ruộng. Lớp bùn đất lần này chủ yếu đất đỏ và sỏi đá động lại từng mảng dày và cứng, với tiềm lực của gia đình hạn hẹp thì việc đào tách và cải tạo dường như không thể thực hiện được. Tình trạng này khiến nhiều hộ nông tại xã Hưng Trạch gặp muôn vàn khó khăn.
Cũng chung tình cảnh như bà Tâm, bà Lê Thị Toan, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình cũng mất trắng hơn 4/5 sào ruộng sau trận lũ lụt lịch sử vừa qua. Bà Toan cho hay, đất đồi trôi về phủ bằng những cánh đồng, thiệt hại là rất lớn nên người dân không đủ kinh phí và nguồn lực tiến hành cải tạo được.
Hiện gia đình bà Toan chỉ còn lại gần 1 sào ruộng là có thể canh tác. Tranh thủ những ngày khô ráo bà Toan đã tiến hành cày ải ruộng đất, nạo vét kênh mương khẩn trương trồng các loại rau màu dễ phát triển như cải, rau lang, mồng tơi, ớt… với mong muốn sớm có thu hoạch để trang trải cuộc sống. Gia đình bà Toan cũng đã đăng ký xin trợ cấp giống cây trồng, vật nuôi ở chính quyền xã để tăng gia sản xuất và nhanh phục hồi sản xuất.
Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh hiện có hơn 120 ha ruộng các loại bị bùn đất vùi lấp sau lũ; trong đó, có khoảng 50 ha không thể sản xuất được. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở địa bàn huyện Bố Trạch và Quảng Ninh. Hiện ngành nông nghiệp Quảng Bình đang nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp dân có sớm có phương án sản xuất phù hợp khi ruộng bị bùn đất đá vùi lấp để kịp xuống giống vụ Đông Xuân.
Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, ông Đỗ Văn Phúc cho biết, viện nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã lấy chất đất để nghiên cứu. Sau khi nghiên cứu cũng đã trả kết quả. Các cơ quan chức năng cũng đã xác định đối với chất đất này không thể trồng lúa được do chất đất chủ yếu là đất sét, bị bồi đắp quá dày cho nên chưa ổn định. Vì vậy khi gieo trồng các giống lúa sẽ bị nghẽn rễ gây thiếu oxy dễ dẫn đến tình trạng cây bị chết. Chính quyền địa phương đang tích cực tham mưu và phối hợp với huyện Bố Trạch, ngành nông nghiệp Quảng Bình nhanh chóng triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho bà con sớm ổn định sản xuất.
Giải đáp về vấn đề này, ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình cho hay, hiện Sở đang phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu, khảo sát và triển khai thí điểm mô hình sản xuất phù hợp. Trên các ruộng lúa bị bồi lấp có chủ động nguồn nước và có khả năng sản xuất được thì sẽ nạo vét bùn đất, trải bạt và nuôi cá. Còn những diện tích đất cao bị bồi lấp sâu nhưng vẫn có khả năng canh tác thì cho đào hố, bỏ các phân chuồng hoai mục, rơm rạ tạo độ tơi xốp và tiến hành gieo trồng giống bí ngòi một mùa.
“Trước mắt, bà con đang tiến hành các công đoạn làm đất, chuẩn bị giá thể, phân bón, giống cây… để triển khai trồng thử nghiệm giống bí ngòi. Nếu hiệu quả, chúng tôi sẽ nhân rộng để bà con triển khai thực hiện”, ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết.
Để đảm bảo hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cử cán bộ nông nghiệp tăng cường bám sát địa bàn cơ sở, hướng dẫn, giúp đỡ về kỹ thuật, kiến thức và các biện pháp cho bà con trong triển khai thực hiện. Đồng thời, động viên tinh thần và vận động người dân tích cực, hăng hái tham gia lao động sản xuất, phục hồi kinh tế.
Ngành nông nghiệp cũng tiếp tục kêu gọi, vận động và kết nối các nguồn hỗ trợ, ủng hộ, chia sẻ khó khăn với người dân sau mưa lũ, nhất là hỗ trợ sinh kế, cây, con giống để giúp bà con yên tâm lao động sản xuất.