Việc con sông bị bồi lấp đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân, nhất là người dân nuôi thủy sản ven bờ sông của 2 ấp, ấp Khu 1 và ấp Bình An, xã Bình Châu, người dân lo lắng nhất là mùa mưa đang bắt đầu về.
Con sông Lô được bắt nguồn từ con sông Chùa (thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận), cùng với một số con suối chảy từ các xã Hòa Hội, Hòa Hiệp, Bông Trang, Bưng Riềng của huyện Xuyên Mộc đổ về. Đoạn sông Lô chảy qua xã Bình Châu dài gần 10km, điểm kết thúc là ra cửa biển Bến lội - Bình Châu.
Thế nhưng, cách đây 8 năm một đoạn của con sông này, đoạn chảy qua ấp Bình An, xã Bình Châu đã bị bồi lấp hoàn toàn với chiều dài khoảng 700m.
Theo quan sát của phóng viên, hiện nay, khu vực đoạn sông Lô bị vùi lấp đã hình thành một đồi cát trắng không còn dấu tích của dòng sông đã từng chảy qua đây. Con sông Lô bị chia cắt làm 2 nửa, vào mùa khô người dân nuôi trồng thủy sản phía trên của con sông không thể lấy nước lợ từ sông vào do thủy triều từ biển dâng lên nên người nuôi thủy sản phải “treo” ao. Còn mùa mưa thì chịu cảnh ngập lụt nhà cửa, ao nuôi thủy sản nuôi được con nào đều trôi theo dòng nước.
Trước đây, bên bờ sông Lô, đoạn chảy qua tổ 12, ấp Khu 1 và ấp Bình An, xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) có khoảng 20 hộ dân sống bằng nghề nuôi tôm, cá, với diện tích 44 ha ao nuôi. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết người dân đều đã “treo” ao.
Chỉ tay về phía khu vực nuôi tôm của gia đình, ông Bùi Văn Phú, ấp Bình An, xã Bình Châu xót xa nói: "Trước đây từ năm 1996 khi con sông Lô này chưa bị bồi lấp, gia đình tôi đã về đây đào ao nuôi nuôi tôm, cua, có những năm nuôi đạt gia đình tôi thu trên 200 triệu đồng. Thế nhưng, từ năm 2012 khi con sông Lô đoạn chảy qua ấp Bình An bị vùi lấp hoàn toàn chia con sông làm 2 nửa.
Điều này đã khiến việc lấy nước vào ao nuôi của gia đình tôi vô cùng khó khăn, ao nuôi thường xuyên không được thay nước nên bị ô nhiễm, việc nuôi thủy sản của người dân chúng tôi hầu như không còn hiệu quả, chỉ biết nuôi lai rai những loại cá tạp, mỗi năm nay lắm cũng chỉ thu được hơn 20 triệu đồng. Tuy nhiên, đến mùa mưa nước từ các nơi đổ về, khi gặp con sông bị tắc nghẽn dẫn đến nước lớn tràn hết vào các ao nuôi, khiến người dân hầu như mất trắng."
Ông Nguyễn Quốc Hùng, ngụ tại ấp Khu 1, xã Bình Châu xót xa cho hay, cứ đến mùa mưa, do mưa lớn liên tục, nước từ thượng nguồn sông Lô đổ về nhiều nhưng không tiêu thoát ra biển được, dẫn đến đùng nuôi tôm của gia đình ông năm nào cũng bị ngập. Khi bị ngập, tôm sẽ bị chết do độ mặn trong nước giảm đột ngột.
Ông Hùng cho biết thêm, hiện nay, một đoạn con sông Lô bị bồi lấp nên nước từ ngoài biển không thể chảy vào khi thủy triều dâng. Còn nếu có mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về nhiều không tiêu thoát được, gây ngập. Do vậy, việc nuôi trồng thủy sản của bà con gặp rất nhiều khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Xuân Dậu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, đoạn sông Lô chảy qua khu vực ấp Bình An đã bị bồi lấp từ 8 năm nay. Do đoạn sông bị bồi lấp nên khi mùa mưa nước từ thượng nguồn đổ về chảy đến đoạn bị bồi lấp thì tràn vào các ao nuôi thủy sản, ngập nhà khiến nhiều người dân nhiều năm qua bị ảnh hưởng nặng nề. Mùa khô thì gặp nhiều khó khăn trong việc lấy nước lợ vào nuôi thủy sản.
Con sông Lô bị bồi lấp đã ảnh hưởng nặng nề đến lưu thông dòng chảy khiến cho việc cửa biển Bến Lội - Bình Châu thường xuyên bị bồi lấp, do sóng đánh từ ngoài biển đưa cát từ ngoài khơi vào âu tàu này, còn phía trên dòng sông Lô đã không thể lưu thông dòng chảy nên việc đẩy cát lại ra ngoài khơi là không thể, khiến việc bồi lấp tại khu vực này ngày càng trầm trọng.
Trước tình trạng đó, UBND xã Bình Châu đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương xin chủ trương nạo vét con sông Lô này. Tuy nhiên, đến nay đoạn sông Lô bị bồi lấp vẫn chưa có phương án giải quyết, người dân sống và nuôi thủy sản bên bờ sông Lô vẫn lo sợ khi mùa mưa về và nuôi thủy sản cầm chừng vào mùa khô vì không có nước.
Ông Trần Văn Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay, con sông Lô bắt nguồn từ con sông Chùa thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, cách đây vài năm phía tỉnh Bình Thuận đã xây dựng một con đập dâng chặn dòng chảy của con sông này, khiến cho lưu lượng nước của con sông khi chảy về phía Bà Rịa-Vũng Tàu đã còn rất ít, khi mùa gió chướng cát bồi lấp xuống con sông, dòng chảy đã bị hạn chế không đủ để đưa cát trôi đi về phía hạ nguồn, khiến việc bồi lấp theo thời gian càng ngày càng trầm trọng, dẫn đến bít hẳn một đoạn của con sông Lô.
“Trước thực trạng này, trước đó vào năm 2018 UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có chủ trương đồng ý cho phép Công ty Cổ phần Đăng Lộc Phát khảo sát, nghiên cứu lập và thực hiện dự án nạo vét khơi thông dòng chảy và thu hồi khối lượng vật liệu sông Lô, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, bằng hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, do một số vướng mắc đến nay dự án vẫn chưa được triển khai”, ông Hiếu cho biết thêm.