Liên kết sản xuất vẫn chưa hiệu quả

Tại hội thảo “Tái cơ cấu phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng song Cửu Long” (ĐBSCL) được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC-Sóc Trăng 2014), nhiều đại biểu cho rằng, việc liên kết sản xuất của các địa phương trong vùng vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.

Liên kết tăng, hiệu quả giảm

Việc doanh nghiệp (DN) và nông dân cùng liên kết sản xuất qua hình thức cánh đồng lớn được xem là một giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu sản xuất của ngành nông nghiệp. Theo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), diện tích tham gia cánh đồng lớn liên tục tăng trong các năm qua. Nếu như vụ đông xuân 2010 - 2011 diện tích liên kết sản xuất chỉ 2.000 ha thì đến vụ đông xuân 2014 - 2015 tới đây dự kiến có 200.000 ha với 100.000 hộ nông dân và 100 doanh nghiệp xuất khẩu cùng hàng chục doanh nghiệp phân phối nội địa tham gia. Theo tính toán, mỗi ha lúa tham gia cánh đồng lớn, nông dân có thể thu lời thêm từ 2,2 - 7,5 triệu đồng, chi phí sản xuất giảm được từ 10 - 15% trong khi giá trị sản lượng tăng 20 - 25%.

Thu hoạch lúa ở Tiền Giang.



Tuy nhiên, có một thực tế hiện hữu là tỷ lệ thành công của các hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và nông dân liên tục giảm. Theo đó, nếu như vụ đông xuân 2010 - 2011 tỷ lệ hợp đồng ký kết thành công đạt 98% thì đến vụ đông xuân 2013 - 2014 chỉ đạt… 34%. “Năng lực đầu tư của các doanh nghiệp có hạn trong khi việc tiếp cận vốn và các dịch vụ công ích của doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân gặp nhiều khó khăn.

Trước đây, khi làm cánh đồng mẫu thì doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư toàn bộ hoặc một phần cho nông dân nhưng khi mở rộng diện tích thì đa số các DN không đủ năng lực tài chính đầu tư ứng trước cho nông dân và cả đầu tư cơ sở hạ tầng như kho chứa, nhà máy xay xát, đặc biệt là máy sấy. Diện tích ký kết với nông dân càng lớn thì khả năng tài chính càng không đảm bảo và việc tiếp cận vốn hiện nay không đơn giản. Nếu mở rộng quy mô sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư, tăng rủi ro cho DN”, ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, cho biết.

Theo ông Thịnh, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân; đồng thời cần có cơ chế, chính sách để các DN nhỏ, đặc biệt là các hợp tác xã, tổ chức đại diện nông dân có thể tiếp cận được vốn trung và dài hạn với lãi suất thấp và có chính sách cho DN tiêu thụ trong nước cũng có được những ưu đãi như đối với DN xuất khẩu.

Khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân

Một số đại biểu cho rằng, việc liên kết vùng giữa các tỉnh ĐBSCL hiện nay chưa chặt chẽ và chưa được như mong đợi. “Thời gian qua đã có nhiều chính sách, chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng ĐBSCL, tuy nhiên sự đầu tư này chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu liên kết và liên kết chưa chặt chẽ giữa các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng trong việc thực hiện chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng - kinh tế nhằm phục vụ sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm”, ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, khẳng định. Theo ông Hiệp, việc thực hiện liên kết vùng hiện gặp phải hai vấn đề lớn: Quy hoạch vùng và quy hoạch ngành.

Đối với quy hoạch ngành thì đã có, thế nhưng để thực hiện quy hoạch vùng thì chủ thể hiện nay không rõ. “Vùng ĐBSCL không phải là đơn vị hành chính - kinh tế nên theo Luật Ngân sách thì không được cấp ngân sách. Đầu tư phát triển vùng phụ thuộc vào đầu tư của Trung ương và các tỉnh thành vì thế ĐBSCL không thể nào thực thi một cách “chủ động” các chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển vùng”, ông Hiệp nói.

Còn theo GS.TS Võ Tòng Xuân, mục tiêu đầu tiên của liên kết là để có đầu ra cho sản phẩm, tức là liên quan đến thị trường. “Nói là tái cơ cấu, liên kết làm theo chuỗi nhưng cuối cùng là mình liên kết bằng cái gì, ai cần gì? Mình phải ngó cái thị trường trước để biết người ta cần cái gì và mình có cái gì mới để đưa ra thị trường. Như vậy, muốn liên kết vùng thì chúng ta phải bắt đầu từ thị trường, rồi từ thị trường lớn nhỏ như thế nào thì ta tổ chức vùng sản xuất cho phù hợp để từ đó phân công ra ai làm gì theo chuỗi giá trị”, GS.TS Võ Tòng Xuân, nói. Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, nếu tỉnh này thấy làm được loại nông sản này, tỉnh lân cận cũng có khả năng làm được loại nông sản đó, thì cần liên kết để cùng sản xuất theo một quy trình. Làm được điều này sẽ tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và có hiệu quả kinh tế cao.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, để thực hiện việc liên kết sản xuất vùng có hiệu quả, Bộ đang phối hợp với các địa phương làm rõ về nhận thức, cách tiếp cận và thống nhất về chủ trương đối với toàn khu vực và từng tỉnh; đồng thời lựa chọn những nhiệm vụ ưu tiên để hình thành các đề án làm cơ sở để triển khai đồng bộ các biện pháp và có hiệu quả, trong đó đặc biệt đến biện pháp chuyển giao, hỗ trợ cho nông dân và DN ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao để đạt hiệu quả cao. “Thời gian qua, các địa phương đã chú trọng trong việc hỗ trợ hộ gia đình nông dân phát triển sản xuất và đã đạt được hiệu quả tích cực, sản lượng các loại nông sản tăng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, những tồn tại lớn nhất trong nông nghiệp là ở khâu do các DN phụ trách như cung ứng vật tư, chế biến và tiêu thụ. Vì thế thời gian tới, bên cạnh tiếp tục đầu tư, hỗ trợ nông dân thì phải tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các DN và khuyến khích DN liên kết với nông dân để hình thành những chuỗi sản xuất có hiệu quả hơn và phân phối lợi ích cân bằng hơn”, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.

Bài và ảnh: M.T-Anh Đức
Khai mạc Diễn đàn hợp tác phát triển kinh tế ĐBSCL-Sóc Trăng 2014
Khai mạc Diễn đàn hợp tác phát triển kinh tế ĐBSCL-Sóc Trăng 2014

Tối 5/11 , Diễn đàn hợp tác phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (MDEC) - Sóc Trăng 2014 đã chính thức khai mạc tại Quản g trường Bạch Đằng, thành phố Sóc Trăng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN