Nhằm không để bệnh lây lan vào địa bàn, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, tỉnh Lai Châu đã và đang chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền người dân nhận biết về bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh.
Theo đó, đối với các huyện chưa triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 năm 2021, tỉnh Lai Châu yêu cầu khẩn trương thực hiện, để đảm bảo hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh động vật nói chung và bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò nói riêng. Các cơ quan chuyên môn thường xuyên cập nhật diễn biến dịch bệnh trong nước, các tỉnh giáp ranh. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế của tỉnh, tham mưu UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo, triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh kịp thời, hiệu quả trong thời gian tới.
Các huyện, thành phố trong tỉnh Lai Châu tiếp tục triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục. Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát, kịp thời phát hiện gia súc có biểu hiện của bệnh, nghi bị bệnh, báo ngay lên chính quyền, cơ quan thú y để lấy mẫu gửi đi xét nghiệm mầm bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh.
Đồng thời, các địa phương tuyên truyền người chăn nuôi chủ động áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Thường xuyên vệ sinh chuồng, trại sạch sẽ, sát trùng, diệt côn trùng ruồi, muỗi, ve tại khu vực chăn nuôi; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho gia súc.
Mặt khác, các địa phương tổ chức rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò và tổng đàn trâu, bò trên địa bàn quản lý. Chủ động nắm bắt, theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời xử lý ngay trong diện hẹp. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển trâu, bò và các sản phẩm từ trâu, bò nhất là trên các tuyến đường mòn, lối mở khu vực biên giới; kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ trên địa bàn. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không khai báo và đối tượng vận chuyển, tập kết, buôn bán động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch thú y.
Ông Phạm Anh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu) cho biết, bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Virus này không gây bệnh trên người, mà chủ yếu lây qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve và do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh.
Thời gian ủ bệnh trung bình từ 4 - 14 ngày; tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh 10 - 20% và tỷ lệ chết 1 - 5%. Khi trâu, bò mắc bệnh sẽ có triệu chứng như: sốt cao, bỏ ăn, giảm tiết sữa, da và niêm mạc nổi những nốt sần có đường kính khoảng 2 - 5 cm, đặc biệt là ở vùng da cổ, đầu, bầu vú, cơ quan sinh dục và vùng đáy chậu.
Từ đầu tháng 10/2020 đến nay, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra tại 163 xã, thuộc 65 huyện của 18 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện cả nước vẫn còn hơn 40 ổ dịch có gia súc mắc bệnh. Mặc dù trên địa bàn tỉnh Lai Châu chưa ghi nhận trường hợp trâu, bò mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh, nhưng do đặc tính của bệnh này lây chủ yếu từ ruồi, muỗi, ve và qua việc vận chuyển, giết mổ gia súc mang mầm bệnh, nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây lan vào địa bàn tỉnh rất cao.
Hiện tỉnh Lai Châu có 303.760 con gia súc; trong đó, trâu 93.758 con, bò 21.675 con, lợn 188.327 con. Toàn tỉnh có 10 trang trại chăn nuôi, 7 hợp tác xã hoạt động chăn nuôi.
Ông Phạm Anh Hùng cho biết thêm, nhằm bảo vệ đàn gia súc và không để bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lây lan vào địa bàn, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, UBND tỉnh Lai Châu ban hành công văn yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết những đặc điểm về bệnh; triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh để ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh vào địa bàn.