Lào Cai: Kiểm soát, khống chế dịch tả lợn châu Phi

Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh tại tỉnh Lào Cai. Các cấp chính quyền và lực lượng chức năng của tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm kiểm soát, khống chế sự lây lan của dịch, giữ vững mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Chú thích ảnh
Gia đình ông Hoàng Văn Giang ở thôn Tân Thịnh, xã Quy Mông nuôi gần 80 con lợn, đến nay 1/3 số lợn đã bị chết do nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: TTXVN phát

Kiểm soát chặt từ cơ sở

Dịch tả lợn Châu Phi đã và đang bùng phát mạnh tại xã Quy Mông, tỉnh Lào Cai, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Nhiều trang trại rơi vào cảnh trắng chuồng, đẩy nhiều gia đình vào cảnh nợ nần.

Tại thôn Tân Thịnh, một trong những vùng tâm dịch của xã Quy Mông, người dân ai cũng xót xa chứng kiến đàn lợn bị chết.
Ông Hoàng Văn Giang, ở thôn Tân Thịnh, xã Quy Mông bộc bạch, gia đình ông nuôi gần 80 con lợn; mỗi con trung bình gần 30 kg/con. Hiện nay do nhiễm dịch tả lợn châu Phi, 1/3 số lợn đã bị chết; nhiều con còn lại cũng nhiễm bệnh và đang chết dần. Nguy cơ trắng đàn rất lớn.

Gia đình ông Giang đã đầu tư 200 triệu đồng vào xây dựng chuồng trại và mới chỉ nuôi lợn được hơn một tháng. Thế nhưng chỉ trong vòng 5 - 6 ngày gần đây, dịch bệnh từ các hộ xung quanh lan tới. Gia đình ông đã cố gắng phòng dịch, ngày nào cũng phun khử trùng, rắc vôi bột cẩn thận, nhưng lợn vẫn liên tục chết, khiến ông xót xa bởi mất trắng hơn 300 triệu đồng. Ông Giang mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho bà con một phần kinh phí để bù đắp thiệt hại.

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Quỳnh, ở cùng thôn cũng có lợn bị dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại lớn. Bà Quỳnh chia sẻ, bà có 13 con lợn thịt, con nào cũng tầm hơn 100kg, chỉ chờ ngày xuất chuồng. Thế nhưng do bị dịch mà đàn lợn bị chết. Đến nay, gia đình bà đã bị tiêu hủy hơn 1,8 tấn lợn.

Theo báo cáo của UBND xã Quy Mông, ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện vào ngày 8/7 tại hộ ông Bùi Văn Lân, thôn Tân Việt. Ngày 10/7, dịch bệnh có dấu hiệu lây lan nhanh trong cộng đồng. Đến ngày 25/7, toàn xã Quy Mông có 10/30 thôn xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi; 35 hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh. Tổng số lợn đã tiêu hủy hơn 250 con, với trọng lượng gần 13 tấn.

Theo Phó chủ tịch UBND xã Quy Mông Nguyễn Thị Minh Lương, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, xã Quy Mông đã vào cuộc quyết liệt. Lãnh đạo xã đã trực tiếp xuống các hộ dân để chỉ đạo công tác phòng chống dịch và thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và Hội đồng tiêu hủy lợn. Ngoài ra, UBND xã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của tỉnh triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch; cấp 20 lít thuốc tiêu độc khử trùng, hướng dẫn các hộ dân phun khử trùng chuồng trại 2 lần/ngày, hạn chế tối đa người ra vào khu vực có dịch.

Mặt khác, xã cũng huy động các lực lượng an ninh cơ sở, dân quân và trưởng các thôn bản để giám sát, tuyên truyền, ngăn chặn tuyệt đối việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh. Chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn tăng cường khuyến cáo các hộ chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Xã Quy Mông đề xuất, kiến nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh phối hợp với Sở Tài chính sớm trình UBND tỉnh có phương án hỗ trợ kinh phí cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại và kinh phí cho công tác phòng chống dịch. Đồng thời, xã cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn của tỉnh tiếp tục cử cán bộ về chỉ đạo kỹ thuật và cấp phát thêm thuốc khử trùng để dập dịch triệt để.

Triển khai nhiều giải pháp

Chú thích ảnh
Đến ngày 25/7, toàn xã Quy Mông, tỉnh Lào Cai có 10/30 thôn xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi, tổng số lợn đã tiêu hủy là hơn 250 con, thiệt hại gần 13 tấn lợn hơi. Ảnh: TTXVN phát

Toàn tỉnh Lào Cai hiện có tổng đàn gia súc với 1.555.130 con; trong đó, đàn lợn có 1.207.534 con, còn lại là trâu và bò. Những ngày gần đây, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và nhanh chóng lây lan trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 25/7, toàn tỉnh Lào Cai có gần 300 hộ dân tại 99 thôn thuộc 25 xã, phường xuất hiện dịch tả lợn châu Phi; trong đó có trên 1.400 con lợn bị tiêu hủy với trọng lượng hơn 80.115kg.

Ngay sau khi nhận được thông tin về dịch bệnh, ngành nông nghiệp và môi trường tỉnh Lào Cai nhanh chóng cấp hàng trăm lít hóa chất và hàng nghìn kg vôi bột khử trùng cho các xã có dịch; tiến hành phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực xung quanh ổ dịch nhằm khống chế và hạn chế lây lan ra diện rộng; chỉ đạo lực lượng thú y phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch mới.

Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Chăn nuôi, Thú y, Thủy sản tỉnh Lào Cai cũng đã kiểm tra, lấy mẫu gửi xác định bệnh; phối hợp với UBND các xã, phường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, UBND tỉnh, Cục Chăn nuôi và Thú y.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành và địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bảo vệ ngành chăn nuôi.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phun tiêu độc khử trùng và hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn chuyên môn. Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao chủ trì phối hợp các xã, phường triển khai các giải pháp phòng dịch, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, xử lý kịp thời ổ dịch và tổ chức tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi. Đồng thời, phối hợp các lực lượng chức năng kiểm soát vận chuyển, ngăn chặn tình trạng buôn bán, giết mổ lợn không đảm bảo an toàn.

Công an tỉnh và Chi cục Quản lý thị trường phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến vận chuyển và buôn bán sản phẩm từ lợn.

UBND các xã, phường có trách nhiệm huy động lực lượng kịp thời khoanh vùng, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch, không dịch lây lan rộng, kiên quyết tiêu hủy lợn mắc bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân và triển khai chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại. Các địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng do chủ quan, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch.

Tiến Khánh - Đinh Thùy (TTXVN)
Tuyên Quang ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan rộng
Tuyên Quang ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan rộng

Tình hình dịch tả lợn châu Phi tại Tuyên Quang đang diễn biến rất phức tạp. Để ngăn chặn dịch bệnh, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, xã, phường tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi và không để dịch lan rộng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN