Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình), tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh ước đạt hơn 57.000 con. Ổ dịch viêm da nổi cục đầu tiên phát sinh từ ngày 27/2 tại một hộ chăn nuôi thuộc thôn Nguyệt Giám, xã Minh Tân, huyện Kiến Xương với 1 mẫu xét nghiệm dương tính với vi rút viêm da nổi cục.
Sau đó dịch bệnh tiếp tục lây lan, đến nay, tỉnh Thái Bình có 29 hộ chăn nuôi tại 8/8 huyện, thành phố có bò bị mắc bệnh, số bò ốm là 44 con, chưa có bò ốm bị chết. Hiện số bò bị nhiễm bệnh vẫn tiếp tục được nuôi nhốt, chăm sóc và điều trị triệu chứng kế phát theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh tại địa bàn, tỉnh Thái Bình đã khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp nhằm kịp thời ngăn chặn sự lây lan vi rút. Tỉnh đã cấp phát 205 lít hóa chất và trên 3.500 kg vôi bột khử trùng khu vực chuồng trại, chăn nuôi tại các hộ có trâu bò mắc bệnh. Các địa phương thực hiện giám sát dịch bệnh tới tận hộ, trại chăn nuôi trâu bò nhằm phát hiện, khoanh vùng và xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh theo quy định.
Đồng thời, tỉnh Thái Bình tăng cường kiểm soát giết mổ, vận chuyển trâu bò và duy trì hoạt động của các đội kiểm dịch lưu động, đội kiểm tra liên ngành nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm về phòng chống dịch bệnh.
Bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò do vi rút gây ra và có thể tồn tại ngoài môi trường từ 1 đến 3 tháng. Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve hoặc do tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh. Bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn với thời gian ủ bệnh trung bình từ 4 đến 14 ngày.
Theo nhận định của cơ quan thú y tỉnh Thái Bình, hiện nay thời tiết mưa ẩm, nhiệt độ ấm dần lên là điều kiện để các loài côn trùng phát triển mạnh, trong khi đó mầm bệnh đã lưu hành tại địa phương và một số tỉnh lân cận, điều kiện chuồng nuôi, bãi chăn thả trâu bò chưa đảm bảo an toàn sinh học; việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu bò chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đây là những nguy cơ khiến dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò có thể phát sinh và lây lan nhanh tại tỉnh Thái Bình trong thời gian tới rất cao.
Cơ quan chuyên môn khuyến cáo, để phòng bệnh hiệu quả, các hộ chăn nuôi cần áp dụng đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, thu gom phân rác, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, phun thuốc khử trùng từ 1-2 lần/tuần và thường xuyên phun thuốc tiêu diệt vật trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, ve, mòng... Đồng thời, chủ động theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, khi có biểu hiện bất thường nghi mắc bệnh cần thông báo ngay cho cán bộ thú y địa phương để kịp thời xử lý, tuyệt đối không bán chạy gia súc...