Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, bệnh không lây sang người nên người chăn nuôi và người dân không hoang mang, tiếp tục áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, đã là dịch bệnh thì cần phát hiện sớm và xử lý nhanh do đó, các đơn vị chức năng, địa phương cần phổ biến tuyên truyền ngay để người dân biết về loại dịch bệnh này để sớm phát hiện và phòng chống kịp thời. Người dân tuyệt đối không bán chạy, buôn bán, giết mổ trâu, bò có dấu hiệu bị bệnh mà cần báo cáo với chính quyền địa phương để tổ chức các biện pháp phòng chống hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, bệnh viêm da nổi cục còn gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Đường truyền lây là côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh; sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa… Do đó việc kiểm soát, tiêu diệt các vật chủ trung gian là yếu tố quan trọng để kiểm soát được bệnh.
Trong khi chờ có vaccine, ông Nguyễn Văn Long cho biết, Cục Thú y sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp thí điểm sử dụng vaccine phòng bệnh đậu dê để tiêm phòng cho đàn gia súc tại các xã đã có dịch. Bởi chủng virus gây bệnh viêm da nổi cục cùng họ với vi rút gây bệnh đậu dê, có mức tương đồng kháng nguyên và gien di truyền trên 95%; các tổ chức quốc tế như FAO, OIE và nhiều nước đã sử dụng vaccine đậu dê để tiêm cho đàn gia súc nhằm phòng bệnh viêm da nổi cục.
Bên cạnh đó, Cục Thú y cũng tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về đặc điểm dịch tễ, đặc điểm vi rút, nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh. Cục Thú y cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương chủ động bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch bệnh.
Ông Pawin Padungtod, đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam cũng khẳng định, bệnh viêm da nổi cục không phải là bệnh truyền lây từ động vận sang người. Mặc dù tỷ lệ tử vong thấp, nhưng bệnh viêm da nổi cục có tác động quan trọng về kinh tế. Vì bệnh tác động suy nhược kéo dài ở động vật mắc bệnh nặng; giảm tăng trọng, ngừng sản xuất sữa tạm thời hoặc vĩnh viễn, viêm vú, sảy thai; thời gian hồi phục gia súc kéo dài…
Ông Pawin Padungtod cho rằng, có năm điểm mấu chốt của việc tiêm phòng và loại trừ bệnh là: nhận thức cao và phát hiện sớm, hạn chế hoặc cấm hoàn toàn vận chuyển giá súc; tiêu hủy; tiêm phòng; kiểm soát vật chủng trung gian làm lây lan dịch bệnh. Hiện có nhiều loại vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục trên thị trường.
Tại hội nghị, đại biểu các địa phương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có vaccine để tiêm phòng. Bên cạnh đó, việc tiêu hủy cũng rất khó khăn vì gia súc có khối lượng lớn, giá trị kinh tế cao, đặc biệt là với bà con vùng núi nên đề nghị Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ nếu thực hiện tiêu hủy.
Từ giữa tháng 10/2020 đến nay, cả nước có 13 ổ dịch bệnh viêm da nổi cục tại tỉnh Lạng Sơn (5 ổ dịch) và tỉnh Cao Bằng (8 ổ dịch). Tổng số gia súc mắc bệnh là 232 con bò; trong đó đã tiêu hủy 19 con.
Khi dịch bệnh xuất hiện, Cục Thú y đã thành lập 6 đoàn công tác; trong đó có nhiều đoàn công tác do Lãnh đạo Cục trực tiếp đến các địa phương để phối hợp với chính quyền và các cơ quan của địa phương chỉ đạo xử lý các ổ dịch, cũng như triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây lan diện rộng.