Ninh Bình ngăn chặn nguy cơ lây bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò

Đến nay, tỉnh Ninh Bình đã ghi nhận nhiều trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò; trong đó, có 11 con phải tiêu hủy.

Chú thích ảnh
 Người chăn nuôi tỉnh Ninh Bình triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan nhanh do việc chăn thả, vận chuyển, giết mổ, tỉnh Ninh Bình đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường phòng, chống dịch bệnh.

Huyện Yên Mô là địa phương đầu tiên của tỉnh Ninh Bình xuất hiện dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Từ ngày 22/12/2020, nhiều hộ dân ở thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô thấy đàn trâu, bò có dấu hiệu sốt cao, bỏ ăn, da nổi những nốt sần. Sau khi báo cáo chính quyền địa phương, cán bộ thú y đã đến kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm để gửi đi xét nghiệm và cho kết quả đàn trâu, bò đã mắc bệnh viêm da nổi cục.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Mô cho biết, từ một vài con mắc bệnh đầu tiên ở thị trấn Yên Thịnh, đến nay, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã lan rộng ra nhiều xã trong huyện. Tính đến nay, toàn huyện có 4 xã, thị trấn có trâu, bò mắc bệnh với tổng số 30 con bị bệnh; trong đó có 8 con phải tiêu hủy.

Huyện đã được cấp 3.000 liều vaccin để tiêm cho đàn trâu bò, đến nay 50% số trâu bò trên địa bàn huyện đã được tiêm phòng. Hiện huyện Yên Mô đang phối hợp với các địa phương có dịch bệnh tuyên truyền người dân cách ly đàn trâu, bò mắc bệnh hoặc nghi nhiễm với những con còn khỏe mạnh để theo dõi và hạn chế dịch bệnh lây lan. Đồng thời, yêu cầu các xã, thị trấn báo cáo số liệu nhiễm mới hàng ngày để theo dõi và kiểm soát.

Tính đến nay, tỉnh Ninh Bình đã ghi nhận nhiều xã, thị trấn của 4 huyện Yên Mô, Gia Viễn, Kim Sơn và Nho Quan có đàn trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục. Ngay sau khi có thông tin dịch bệnh, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò và tổ chức kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch cũng như hướng dẫn các hộ, cơ sở chăn nuôi trâu, bò áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình cho biết, do điều kiện chăn nuôi chủ yếu là nhỏ lẻ, chuồng trại chăn nuôi đa số ẩm thấp ở vùng nông thôn là điều kiện để vi rút phát triển và lây nhiễm nhanh thời gian qua.

Trước diễn biến của bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình đã đề nghị các địa phương có dịch thành lập tổ công tác phòng, chống dịch để điều tra tổng đàn, nắm bắt tình hình dịch bệnh.

Đồng thời tổ chức ký cam kết giữa người chăn nuôi với chính quyền địa phương về việc không mổ thịt, không bán chạy, không vứt xác gia súc chết, mắc bệnh ra môi trường và thực hiện nuôi nhốt toàn bộ trâu, bò trong vùng dịch.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng tiến hành cấp phát, tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục thử nghiệm trên đàn trâu, bò tại vùng bị dịch. Hiện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đang nhanh chóng rà soát, thống kê chính xác số trâu, bò mắc bệnh và bị tiêu hủy.

Bên cạnh việc tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu rõ mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định, ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình cũng cấp 9.500 lít hóa chất để người dân tổ chức phun tiêu độc khử trùng và hướng dẫn người dân rắc vôi bột quanh khu vực chăn nuôi, chuồng trại, đường làng, bãi chăn thả tại các vùng có dịch.

Thùy Dung (TTXVN)
Xử lý dứt điểm bệnh viêm da nổi cục trên hàng trăm con trâu, bò
Xử lý dứt điểm bệnh viêm da nổi cục trên hàng trăm con trâu, bò

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra tại 505 hộ chăn nuôi ở 82 thôn, 24 xã thuộc 6 huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nông Cống và thị xã Nghi Sơn, làm tổng số 682 con trâu, bò mắc bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN