Hà Nội khôi phục, phát triển đàn lợn thương phẩm 

Trước tình hình dịch COVID-19 và dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, gây hậu quả và thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi, UBND thành phố Hà Nội lên kế hoạch thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp phát triển đàn lợn để cung cấp thực phẩm cho thị trường.

Chú thích ảnh
Chăm sóc đàn lợn thịt để cung cấp cho thị trường của gia đình anh Nguyễn Đình Thành, xã thư Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Thành phố phấn đấu đạt tổng đàn lợn thương phẩm trên địa bàn thành phố năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu con (số liệu thống kê quý 1/2020 trên địa bàn Thành phố hiện có 1,1 triệu con lợn, bằng 68,7% so với cùng thời điểm năm 2019). UBND Thành phố vừa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố triển khai tổ chức thực hiện một số giải pháp cấp bách.

UBND các huyện, thị xã tập trung chỉ đạo thúc đẩy sản xuất chăn nuôi, tái đàn, tăng đàn lợn tại các doanh nghiệp chăn nuôi, trang trại, nông hộ đảm bảo chăn nuôi theo vùng trọng điểm, chăn nuôi lớn xa khu dân cư, chăn nuôi công nghệ cao, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAP theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, phối hợp các đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm sinh sản trên địa bàn ưu tiên cung cấp giống cho các cơ sở, hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố nhằm khôi phục, phát triển chăn nuôi ổn định. 

Ngoài ra, tăng cường hướng dẫn các cơ sở, các hộ thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột, nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm quy định để áp dụng hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học.

Các địa phương cũng cần nắm chắc số lượng tổng đàn lợn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng tháng, rà soát cơ cấu và phát triển chăn nuôi từ nay đến cuối năm 2020 để đảm bảo cân đối cung cầu; phối hợp xây dựng kế hoạch kết nối tiêu thụ giữa các doanh nghiệp chế biến, giết mổ, kinh doanh với các vùng sản xuất nhằm đảm bảo ổn định thị trường.

Thành phố cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tái, tăng đàn đảm bảo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi để đảm bảo số lượng, chất lượng con giống cung cấp cho các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn.

UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp và các đơn vị trực thuộc tập trung các giải pháp về hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; giám sát chặt chẽ đàn gia súc, gia cầm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý dịch bệnh.

Sở Nông nghiệp tăng cường phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Công Thương và các đơn vị thực hiện tốt việc thúc đẩy chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi và tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn thành phố đáp ứng mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020, không để tình trạng khan hiếm thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn.

Cùng với đó, chủ động làm việc với các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn để triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng. 
Thành phố đề nghị các đơn vị liên quan phải chuyển văn bản về phát triển chăn nuôi đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại chăn nuôi thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống, xử lý dịch bệnh, tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAP, định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu chăn nuôi và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định.

Đặc biệt, ưu tiên xuất bán con giống, lợn giống, lợn con thương phẩm cho các cơ sở, hộ chăn nuôi trên địa bàn đảm bảo mục tiêu phát triển chăn nuôi ổn định của Thành phố.

Để thực hiện bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt trong thời gian ảnh hưởng của dịch COVID-19, UBND Thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tham gia chi phối mặt bằng giá thịt lợn hơi trên địa bàn; đôn đốc doanh nghiệp rà soát tính toán chi phí cấu thành giá để hạ giá thành lợn hơi xuất chuồng theo lộ trình cam kết nhằm đưa giá lợn hơi xuống khoảng 70.000 đồng/kg trong tháng 4/2020, lộ trình đến cuối quý II và quý III/2020 giảm xuống còn từ 65.000 - 60.000 đồng/kg.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, tổ chức, cá nhân sản xuất, chăn nuôi lợn nâng cao năng lực, áp dụng khoa học tiên tiến trong chăn nuôi; thực hiện tốt phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và khẩn trương tái đàn, khôi phục phát triển đàn lợn theo hướng bền vững.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
Giá thịt lợn 'cố thủ' ở mức cao
Giá thịt lợn 'cố thủ' ở mức cao

Đã gần 1 tháng nay, kể từ thời điểm một số doanh nghiệp chăn nuôi tiên phong giảm giá lợn hơi xuất chuồng còn 70.000 đồng/kg, đến nay, giá thịt lợn tại các chợ vẫn chưa giảm, dao động ở mức 160.000 - 170.000 đồng/kg (ngày 28/4), mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp ổn định giá. Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) xung quanh vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN