Chủ động lợn giống cho sản xuất giai đoạn 2021 - 2024

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, số lợn giống đã nhập và đăng ký nhập khẩu năm 2020 sẽ thay thế cho đàn lợn giống nhập khẩu từ năm 2016 đến thời gian loại thải và bù đắp cho đàn nái giống bị giảm do bệnh dịch.

Chú thích ảnh
Công ty TNHH lợn giống hạt nhân Dabaco (Tập đoàn Dabaco Việt Nam) được giao nhiệm vụ nuôi giữ, lai tạo đàn giống gốc cụ kỵ, ông bà, bố mẹ thuộc các giống Duroc, Piteran, Landat, Yorshire được nhập khẩu từ Canada, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Mỹ…. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Ngành nông nghiệp xác định tăng cường nhập khẩu và tháo gỡ khó khăn trong nhập khẩu lợn giống là một trong những biện pháp thúc đẩy sản xuất, làm chủ được ngành chăn nuôi đáp ứng nhu cầu trong tương lai.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước vẫn giữ được đàn lợn giống lớn. Đây là một trong những cơ sở thuận lợi để ngành nông nghiệp đảm bảo tái đàn, đến quý IV năm nay sẽ đạt được số lượng đàn lợn như trước khi có dịch tả lợn châu Phi (cuối năm 2018).

Cụ thể, theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện nay cả nước có khoảng 120 nghìn con lợn nái giống (Landrace, Yorkshire…). Trong số hơn 100 cơ sở giống lợn, tổng đàn nái hơn 109 nghìn con thì các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 67% tổng cơ sở và 37% tổng đàn nái nguồn; các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 33% tổng số cơ sở và khoảng 63% tổng đàn nái nguồn.

Hiện cả nước có hơn 2,7 triệu con lợn nái và hơn 50 nghìn con lợn đực giống. Trong đó, năng suất sinh sản của đàn lợn nái nhập ngoại của Việt Nam khá tốt - khoảng 24 - 27 con/nái/năm (thế giới là 26 - 30 con/nái/năm).

Theo số liệu đăng ký, năm 2020, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu 12 nghìn con lợn giống. Đến ngày 18/4, số lượng nhập khẩu lợn giống nguồn là 3.016 con, tăng 133% so với năm 2018 và tăng 21% so với năm 2019.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đăng ký nhập khẩu 20 nghìn con lợn nái phục vụ sản xuất. Với số lượng đàn giống sản xuất trong nước và nhập khẩu thì Việt Nam có thể chủ động lợn giống cho sản xuất giai đoạn 2021 - 2024.

Tuy nhiên, hiện nay, một số doanh nghiệp đăng ký nhưng chưa nhập khẩu do dịch COVID-19, khó nhất là khâu vận chuyển từ nước xuất khẩu về Việt Nam. Theo các chuyên gia, đây là khó khăn chung của các doanh nghiệp. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên đàn giống cụ kỵ, ông bà, bố mẹ của thế giới hầu hết đều bị ảnh hưởng, trong đó Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Cùng với đó, Trung Quốc là nước có đàn lợn hạt nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch tả lợn châu Phi, nên nước này đang “mua vét” lợn giống cụ kỵ, ông bà trên thế giới. Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc đang có kế hoạch sẽ nhập khẩu hàng triệu con lợn giống trong năm 2020 để khôi phục lại đàn lợn sau ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi của nước này.

Ngành chăn nuôi Việt Nam tương tự Trung Quốc về việc phụ thuộc rất lớn nguồn giống lợn, gia cầm hạt nhân nhập khẩu từ nước ngoài. Các thị trường nhập khẩu lợn, gà cụ kỵ, ông bà, bố mẹ của Việt Nam chủ yếu là Mỹ, Canada, châu Âu, Đài Loan và Trung Quốc. Hiện nay, do ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19 nên lưu thông, logistics gián đoạn, nhiều nước tạm dừng xuất khẩu giống gốc, đặc biệt sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp chăn nuôi của Trung Quốc khiến việc nhập khẩu lợn giống của các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam từ cuối năm 2019 tới nay gặp muôn vàn khó khăn.

Đây chính là bài học cảnh tỉnh cho ngành giống của Việt Nam cần phải có chiến lược và kế hoạch dài hơn, chủ động hơn nữa. Đặc biệt, cần phải làm chủ được toàn bộ hệ thống chuỗi của ngành giống từ cụ kỵ, ông bà tới bố mẹ mới có thể làm chủ được ngành chăn nuôi trong tương lai.

Về hướng phát triển dài hạn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nêu rõ, để khôi phục đàn lợn công tác giống là yếu tố then chốt quyết định đến năng suất và chất lượng đàn lợn. Vì vậy cần tăng cường nhân giống và cung ứng lợn giống có chất lượng và an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi.

Theo Thứ trưởng, để chủ động nguồn lợn giống phục vụ sản xuất, trước mắt, các địa phương cần tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Các doanh nghiệp tích cực nhập giống nguồn để tăng cường nhân giống và cung ứng lợn giống bảo đảm chất lượng, an toàn dịch bệnh. Các tổ chức tín dụng có chính sách ưu đãi về lãi suất cho người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn và doanh nghiệp nhập khẩu giống.

Về lâu dài, Bộ NN&PTNT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040, trên cơ sở đó triển khai đề án phát triển giống vật nuôi; tăng cường sản xuất giống tại chỗ với giá thành hạ, an toàn dịch bệnh...

L. Sơn/Báo Tin tức
Chi phí trung gian trong giá thành thịt lợn chiếm tới 70 - 90%
Chi phí trung gian trong giá thành thịt lợn chiếm tới 70 - 90%

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chi phí trung gian trong giá thành thịt lợn hiện nay chiếm tỷ lệ lớn, từ 70 - 90%. Mức chênh giữa giá thịt lợn hơi và giá thịt lợn thành phẩm hiện vẫn cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN