Chi phí trung gian trong giá thành thịt lợn chiếm tới 70 - 90%

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chi phí trung gian trong giá thành thịt lợn hiện nay chiếm tỷ lệ lớn, từ 70 - 90%. Mức chênh giữa giá thịt lợn hơi và giá thịt lợn thành phẩm hiện vẫn cao.

Chú thích ảnh
Người dân vẫn phải mua thịt lợn giá cao. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 21/4 cho hay: Chi phí trung gian hiện tại so với thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi là khoảng 23.000 - 28.000 đồng/kg. Giá bán lẻ thịt lợn thành phẩm còn phụ thuộc vào giá lợn hơi. Giá lợn hơi càng cao, giá bán lẻ thịt lợn thành phẩm cũng tăng cao theo tỷ lệ tương ứng. 

Nếu như giai đoạn đầu tháng 4/2020, giá lợn hơi ở mức 73.000 - 78.000 đồng/kg, giá thịt lợn thành phẩm tại chợ phổ biến ở mức 130.000 - 150.000 đồng/kg, thì hiện nay, giá lợn hơi đã tăng cao hơn, ở mức 80.000 - 90.000 đồng/kg, giá thịt lợn thành phẩm tại các chợ phổ biến ở mức 145.000 - 165.000 đồng/kg. 

Theo anh Lê Văn Định, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Cầu Diễn (Hà Nội), các tiểu thương bán lẻ vẫn phải lấy thịt từ các thương lái, mua buôn lại của các hộ nuôi nhỏ lẻ. Do vậy, dù một số doanh nghiệp lớn cam kết giảm giá thịt lợn hơi về 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4/2020, nhưng giá thịt bán lẻ ngoài chợ vẫn cao.

“Các lò mổ vẫn bán ra cho các tiểu thương với giá cao. Ví dụ giá lợn hơi giảm còn 74.000 - 75.000 đồng/kg, nhưng các lò mổ vẫn bán ra với giá 110.000 đồng/kg. Vì vậy, không thể giảm giá bán lẻ", anh Lê Văn Định cho hay.

Ở góc độ người chăn nuôi, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chia sẻ: Vì có quá nhiều khâu trung gian, nên giá thịt lợn bán trên thị trường khó giảm. Do vậy, cần phải có cơ chế để quản lý, hạn chế bớt khâu trung gian. Khâu trung gian không chỉ khiến giá bán lợn hơi từ trang trại tới tay người tiêu dùng chênh lệch, mà còn khiến Nhà nước thất thoát nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trước tình hình trên, nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, việc rà soát, tổ chức lại hệ thống thị trường theo hướng tinh gọn, giảm bớt các kênh trung gian, phân phối phải được thực hiện quyết liệt, mới góp phần giảm giá thịt lợn. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, cần phải tăng nguồn cung, tái đàn mạnh mẽ.

Theo Bộ NN&PTNT, về chăn nuôi lợn, tốc độ tái đàn chậm là một trong những nguyên nhân cũng khiến giá thịt lợn cao. Với tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng dự kiến cả năm 2020 tương đương năm 2018, tính theo quý thì quý II/2020 đạt hơn 900.000 tấn, quý III đạt hơn 1 triệu tấn, quý IV/2020 gần 1,1 triệu tấn, thì đến quý III, IV/2020 mới cơ bản đáp ứng được nhu cầu thịt lợn. Không chỉ vậy, việc nhập khẩu thêm thịt lợn sẽ giúp nguồn cung bớt căng thẳng. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 45.000 tấn thịt lợn.

Minh Phương/Báo Tin tức
Có thể đưa thịt lợn vào danh mục bình ổn giá?
Có thể đưa thịt lợn vào danh mục bình ổn giá?

Trước nhiều ý kiến cho rằng cần đưa thịt lợn vào hàng bình ổn giá để không ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, muốn đề xuất một mặt hàng nào đó vào danh mục bình ổn giá phải đạt các tiêu chí của Luật Giá, tức hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN