Xác định kịch bản tái đàn
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường dự báo, cuối quý III, đầu quý IV ngành nông nghiệp sẽ có được số lượng đàn lợn bằng thời kỳ trước khi bị dịch (cuối năm 2018). Tốc độ tái đàn lợn đã được xác định là ở mức nhanh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Ở thời điểm hiện tại, các địa phương đều đã triển khai công tác tái đàn lợn. Về tổng thế chung, tốc độ tái đàn lợn quý I đạt 6,3%, nhưng riêng khu vực 15 đơn vị sản xuất lớn của chúng ta thì tốc độ lên tới 17%. Với việc chúng ta vẫn giữ được cái đàn lợn giống gốc, đàn lợn cụ kỵ, ông bà hiện nay là 109.000 con. Và đến giờ phút này vẫn còn xấp xỉ 2,7 triệu lợn nái. Cộng thêm những yếu tố trong hệ sinh thái cho ngành chăn nuôi như hệ thống sản xuất 20 triệu tấn cám, thú y, dịch vụ… đây là những tiền đề tốt để đảm bảo tốc độ tăng trưởng nhanh”.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng cho biết, kịch bản tái đàn đã được xây dựng cụ thể.
Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát tốt. Đã có 90% số xã không tái phát dịch bệnh, là thời điểm “vàng” cho công tác tái đàn an toàn.
Ngành Nông nghiệp cũng đã tổng kết được quy trình an toàn sinh học cho hai nhóm đối tượng bao gồm cả nhóm chăn nuôi lớn và nhóm chăn nuôi nhỏ để hướng dẫn kỹ cho nông dân các địa phương.
Việc tái đàn lợn tại các địa phương đã có những kết quả rất khả quan. Đến hết quý I/2020 tổng đàn lợn cả nước so với tháng 12/2019 đã tăng được 6,3% về số đàn. Cụ thể, đến cuối tháng 3, số đầu lợn của nước ta là 24 triệu con. Theo tốc độ này đến quý III và đầu quý IV, sẽ đạt số lượng bằng thời kỳ cao nhất cuối năm 2018 và lúc đó sẽ có đủ khối lượng để cung cấp cho thị trường.
“Không thể đốt cháy giai đoạn, chu kỳ vòng đời con lợn trên 1 năm để lợn sinh nở và tái đàn. Không những thế, số lượng lợn nái, lợn con bị bệnh dịch tả lợn châu Phi nhiều nên để khôi phục đàn lợn nái cần nhiều thời gian”, ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ.
Các tỉnh thành hỗ trợ tăng tốc tái đàn lợn
Xác định công tác tái đàn là yếu tố quan trọng làm tăng nguồn cung thịt lợn, các địa phương thực hiện các hỗ trợ các nông hộ và doanh nghiệp trong sản xuất và phát triển.
Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, thực hiện Chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cùng với cả nước, Hà Nội đang thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, một trong những dư địa lớn nhất của Việt Nam cũng như của Hà Nội hiện nay là phát triển nông nghiệp. Trong nông nghiệp, ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng rất cao. Tại Hà Nội, tỷ trọng chăn nuôi chiếm đến 46% trong phát triển nông nghiệp toàn thành phố.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, để chuẩn bị cho tăng trưởng nông nghiệp của thành phố đạt hơn 4% trong năm 2020 thì việc thúc đẩy phát triển chăn nuôi là vấn đề hết sức cấp bách, quan trọng. Thành phố giao cho Sở NN&PTNT tính toán và có chính sách hỗ trợ giống lợn con, lợn nái, phục vụ công tác tái đàn tại địa phương.
Thời gian tới, thành phố sẽ phối hợp với các bộ để bảo đảm nguồn hàng, đồng thời, làm việc với các ngân hàng để có hỗ trợ lãi suất cho sản xuất chăn nuôi.
“Quan điểm của thành phố là sẽ tạo mọi điều kiện cho tất cả các quá trình sản xuất. Doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện vận chuyển các nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ cảng về nhà máy, cũng như vận chuyển sản phẩm chế biến từ nhà máy sản xuất đến các trại chăn nuôi hay từ các nhà sản xuất đến các đại lý”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Tại “thủ phủ” chăn nuôi lợn Đồng Nai, từ cuối tháng 3/2020 tỉnh đã thông báo hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, để tái đàn hiệu quả trong tình hình hiện nay, địa phương hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học cũng như ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi. Đây đang được xem là mục tiêu quan trọng, căn cơ nhất trong nỗ lực tìm đầu ra bền vững cho các sản phẩm chăn nuôi.