Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn lợn bảo đảm an toàn dịch bệnh để đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, nhất là Thủ đô Hà Nội- một địa bàn cần kề với sức tiêu dùng lớn đang phải đối phó với dịch COVID-19.
Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện nay đã cơ bản được kiểm soát, cả nước có trên 99% số xã có dịch đã qua 30 ngày; các địa phương, doanh nghiệp cũng đã tổ chức thành công nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học ở cấp độ khác nhau, bảo đảm không bị nhiễm bệnh.
Ngoài ra, nguồn lợn giống hiện có cơ bản đủ cung cấp cho người chăn nuôi và lượng thức ăn cũng đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu tái đàn, tăng đàn lợn.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến nay 130/130 xã có dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày và công bố hết dịch; thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 1965/BNN-TY ngày 18/3/2020 về việc tổ chức hướng dẫn tái đàn, tăng đàn lợn bảo đảm an toàn sinh học, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức phòng, chống dịch bệnh, đồng thời đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn lợn bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Theo đó, tỉnh yêu cầu các ngành và địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, ở nhiều cấp độ về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tái đàn lợn, tăng đàn lợn.
Mặt khác, tránh tình trạng găm lợn, đẩy giá tăng cao quá mức; bảo đảm hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, người phân phối, cung ứng dịch vụ và người tiêu dùng.
Ngoài ra, các ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, tái đàn lợn, tăng đàn lợn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các ngành, địa phương hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và triển khai việc nuôi tái đàn lợn theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học thực hiện tái đàn, tăng đàn lợn.
Đặc biệt, các địa phương triển khai xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học; chăn nuôi theo hướng hữu cơ bằng việc ứng dụng chế phẩm vi sinh trong thức ăn, nước uống và đệm lót chuồng nuôi; xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng của các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn, phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và tái đàn lợn đạt hiệu quả.
Cùng với đó, giới thiệu các đơn vị cung ứng giống có uy tín, đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh để người chăn nuôi trong tỉnh biết, lựa chọn mua con giống tái đàn sản xuất.
Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi để tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân, nhất là bà con ở vùng nông thôn các loại hình dịch vụ phát triển chậm, đời sống người dân còn khó khăn.
Theo thống kê, số lượng đàn vật nuôi của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2019 gồm đàn trâu 17.900 con; đàn bò 110.000 con; trong đó bò sữa có 13.360 con; đàn lợn có 458.500 con, đàn gia cầm có 11,2 triệu con....
Tính đến hết tháng 1/2020, toàn tỉnh đã có gần 1.000 hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn, với tổng số lợn khoảng 23.000 con, bao gồm hơn 2.500 con lợn nái, lợn đực giống; hơn 20.000 con lợn thịt. Trong tổng số lợn tái đàn, số lợn giống mua mới đạt gần 11.000 con, còn lại là từ đàn lợn không bị nhiễm dịch sinh ra.
Nhằm hỗ trợ người nông dân ổn định sản xuất và giảm thiểu rủi ro, ngày 13/3/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 522/QĐ-UBND về công bố địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với trâu, bò.
Theo đó, tỉnh thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với trâu bò cho 57 xã, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố; trong đó có 5 xã thuộc huyện Vĩnh Tường; 5 xã huyện Yên Lạc; 19 xã, thị trấn huyện Lập Thạch; 4 xã huyện Sông Lô; 11 xã, thị trấn huyện Tam Dương; 8 xã huyện Tam Đảo...