Trước những diễn biến phức tạp và khó lường của dịch tả lợn châu Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND về việc tập trung chỉ đạo thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tái đàn lợn để phòng, chống bệnh dịch trên địa bàn. Theo đó, từ ngày 10/11/2019, các cơ sở chăn nuôi tái đàn chưa được Chủ tịch UBND cấp xã đồng ý, xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ không được hỗ trợ thiệt hại từ ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm quy định, điều kiện về tái đàn lợn; các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học.
Ngành phối hợp với các đơn vị thông tin, tuyên truyền sâu rộng về tính chất nguy hiểm, tác hại nghiêm trọng của bệnh dịch tả lợn châu Phi; hiệu quả của chăn nuôi an toàn sinh học; việc thực hiện tái đàn có điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các văn bản chỉ đạo của tỉnh.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, thiếu tích cực, buông lỏng trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
UBND các huyện, thị xã, thành phố, tập trung hướng dẫn kỹ thuật cho các cơ sở chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; tập trung chỉ đạo chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại đủ điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc chăn nuôi của các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt là công tác tái đàn lợn; kiên quyết không thực hiện tái đàn đối với các hộ chăn nuôi không đủ các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi lợn, trường hợp tái đàn phải báo cáo và được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp xã.
Ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau thời gian ngắn được kiểm soát, hiện có gần 90 xã trên địa bàn tỉnh tái phát bệnh dịch tả lợn châu Phi, diễn biến của bệnh dịch ngày càng phức tạp. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 14.100 hộ thuộc 1.648 thôn, 432/635 xã của 27 huyện, thị xã, thành phố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, buộc phải tiêu hủy 105.439 con lợn, trọng lượng hơn 7.510 tấn.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tỉnh vẫn tiêu thụ được trên 1 triệu con lợn và duy trì được tổng đàn trên 955 nghìn con. Tuy nhiên, diễn biến dịch tả lợn châu Phi còn rất phức tạp, giá thịt lợn hơi tăng nhanh, nếu để các hộ, cơ sở chăn nuôi chưa đủ điều kiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh tái đàn thì không thể ngăn chặn, đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi.
Hơn nữa, ngân sách không thể đáp ứng được nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hộ có lợn mắc dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy và người chăn nuôi cũng chịu rủi ro lớn...