Mặc dù, giá lợn đang đứng ở mức cao, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái khuyến cáo người dân chưa vội tái đàn ồ ạt, do bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa được phòng trừ triệt để.
Tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giá lợn hơi tăng cao khiến cho người bán cũng như người mua gặp khó khăn, nhu cầu của người dân mua thịt giảm, đối với các thương lái thì khan hiếm nguồn cung. Theo các tiểu thương, giá lợn hơi bắt đầu tăng từ tháng 9, nhưng tăng cao đột biến vào khoảng nửa tháng nay với mức trên 65.000 đồng/kg, đây là mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây; mà trước đó, giá thịt hơi chỉ 30.000 - 40.000 đồng/kg do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi.
Hiện giá lợn thịt tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Yên Bái tăng trên 30% so với quý II. Cụ thể, thịt ba chỉ có giá 120.000 đồng/kg, thịt nạc từ 110-120.000 đồng/kg, xương lợn có giá 90.000 đồng/kg... Sở dĩ giá thịt lợn tăng cao như vậy, do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi, số lợn bị tiêu hủy nhiều, người dân thì không tái đàn dẫn đến khan hiếm nguồn cung, đẩy giá lợn hơi tăng cao, nên giá thịt tăng mạnh.
Bà Nguyễn Thị Yến, chủ một gian hàng bán thịt lợn tại chợ phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái chia sẻ, gần đây giá thịt lợn tăng nên sức mua sụt giảm, phần lớn người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khác, có giá cả phù hợp với thu nhập của gia đình. Trước đây, mỗi ngày trung bình bà bán hết hai con, nhưng hiện nay mỗi ngày chỉ một con mà vẫn không bán hết.
Giống như bà Yến, chị Trần Thị Hòa, một tiểu thương tại Phú Thọ cho biết, hiện thịt lợn khó bán vì giá tăng quá cao, cùng với đó nguồn cung thì hiếm. Theo chị Hòa, từ nay đến cuối năm, giá lợn hơi, thịt lợn còn tiếp tục tăng, do nhu cầu sử dụng cao vào dịp Tết Nguyên đán.
Theo ông Trần Thế Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, trước tình hình trên trong khi chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý, nhu cầu thịt lợn sẽ tăng cao. Nhưng thời điểm này, ngành nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi không nên tái đàn ồ ạt mà chỉ tái đàn đối với các cơ sở chăn nuôi lợn áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đối với các hộ, các cơ sở chăn nuôi lợn nhỏ lẻ không áp dụng được chăn nuôi an toàn sinh học chuyển hướng sang chăn nuôi các loại vật nuôi khác.
Các cơ sở bị dịch và dịch đã qua 30 ngày hoặc công bố hết dịch trên địa bàn khi áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, tái đàn hết sức cẩn trọng và theo từng đợt; tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở, sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn cho đủ quy mô cần nuôi.
Bên cạnh đó, các trang trại cần định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại khu vực chăn nuôi bằng vôi bột hoặc hóa chất; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi; hạn chế người không có nhiệm vụ ra vào khu vực chăn nuôi, có biện pháp ngăn chặn các loại vật khác đến khu vực chăn nuôi lợn.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn từ tháng 5, đến ngày 29/10 dịch đã phát sinh tại 4.660 hộ ở 122 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố với tổng số lợn mắc bệnh 22.471 con, tiêu hủy 25.594 con, trọng lượng trên 1.150 tấn, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người chăn nuôi.