Ông Nguyễn Thái Trị ở xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc cho biết, giá lợn hơi đang ở mức giá cao kỷ lục và người chăn nuôi thu lãi lớn, khoảng 3 triệu đồng/con. Mặc dù vậy, nhà ông cũng chỉ còn có 10 con lợn trong chuồng xuất bán dịp này nhưng ông Trị cũng không có ý định tăng đàn. Ông Trị lý giải, việc tăng đàn ồ át rất dễ khiến giá lợn giảm xuống trong thời gian tới; cùng đó là nguy cơ lây lan của dịch bệnh vì hiện dịch này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo các hộ chăn nuôi, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh có xu hướng chậm lại nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro; các ổ dịch chưa được xử lý triệt để sẽ dễ bùng phát lại. Vì vậy, nếu tái đàn vào thời điểm này sẽ rất mạo hiểm cho người nuôi. Đây cũng là tâm lý chung của các hộ nuôi lợn.
Ông Lê Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại gần 10% tổng đàn lợn của toàn tỉnh. Dịch vẫn đang trong giai đoạn lây lan mặc dù chậm lại, vì vậy ngành chức năng khuyến cáo các hộ chăn nuôi hạn chế tái đàn trong thời điểm này; đồng thời, khuyến khích người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, chú trọng tiêu độc sát trùng chuồng trại thường xuyên liên tục kể cả chuồng đang có lợn nuôi và cả chuồng đã hết lợn để đảm bảo cho dịch không tiếp tục lây lan, nhanh chóng khống chế được dịch trong thời gian sớm nhất.
Tại tỉnh Đồng Tháp, ông Võ Thành Ngoan – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp có thông tin hướng dẫn về điều kiện tái đàn lợn sau dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, trước khi tái đàn phải xây dựng, sửa chữa, nâng cấp chuồng trại đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học; có hố tiêu độc, khử trùng ở lối ra, vào; có khu vực cách ly để vệ sinh, tiêu độc khử trùng con người và phương tiện trước khi ra, vào trại; có hầm/túi ủ biogas đủ đáp ứng đủ yêu cầu xử lý chất thải của trại chăn nuôi, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; phải để trống chuồng và thực hiện nghiêm ngặt việc vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại liên tục ít nhất trong 30 ngày trước khi thả nuôi.
Đồng thời, người chăn nuôi phải đăng ký với chính quyền địa phương trước khi tái đàn gồm các thông tin cơ bản: họ tên, địa chỉ, số điện thoại, nguồn gốc con giống, số lượng, lứa tuổi, trọng lượng bình quân/con, ngày dự kiến thả nuôi...
Bên cạnh đó, khi bắt con giống về nuôi, cần thực hiện mua con giống rõ nguồn gốc ở các cơ sở có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch và kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi đối với các trường hợp mua con giống ngoài tỉnh; bố trí nuôi cách ly ít nhất 2 tuần trước khi nhập đàn (đối với các trại hiện đang còn lợn trong trại), chỉ sử dụng nước máy, hoặc nước sông đã được xử lý bằng hóa chất khử trùng nước (chlorine hoặc benkocid) để cho gia súc ăn, uống, tắm rửa và vệ sinh chuồng trại.
Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tuyên truyền để người chăn nuôi ý thức và tự bảo vệ đàn lợn, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vận động người chăn nuôi chú trọng việc trữ và xử lý nước sông để tắm rửa cho gia súc và vệ sinh chuồng trại; giữ ấm cho gia súc, nhất là những ngày mưa bão, nhằm giúp cho vật nuôi không bị cảm lạnh, đủ sức đề kháng chống chịu với bệnh tật và không nên tái đàn khi chưa có công bố hết dịch.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh tập huấn cho người chăn nuôi về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học và các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng để người chăn nuôi có thể chuyển đổi sang đối tượng vật nuôi khác hoặc tái đàn sau khi có công bố hết dịch.
Tại Kon Tum, sau 4 tháng xuất hiện dịch, đến nay dịch tả lợn châu Phi vẫn đang tiếp tục gây thiệt hại cho người chăn nuôi tỉnh Kon Tum. Trong những ngày qua, ghi nhận nhiều trường hợp lợn bị mắc dịch tả lợn châu Phi và phải tổ chức tiêu hủy.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh và các địa phương đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng dịch, tuy nhiên do chưa có vắc xin để phòng bệnh, đây là khó khăn rất lớn trong phòng dịch. Bên cạnh đó, hiện thời tiết đang giai đoạn chuyển mùa, việc vệ sinh môi trường trong chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhận định trong thời gian tới dịch bệnh còn lây lan ra các địa phương khác.
Hiện dịch đã lây lan ra tất cả 10 huyện, thành phố của địa phương này. Tính đến hôm nay, ngành thú y và chính quyền các địa phương trong tỉnh đã phải tổ chức tiêu hủy trên hơn 5.000 con lợn.