Tính đến hết tháng 9/2019, tổng đàn lợn bệnh đã tiêu hủy trên hơn 39.000 con, trọng lượng gần 2,4 triệu tấn. Hiện, người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã có bước chuyển đổi sang các vật nuôi khác. Đây được xem là hướng phát triển kinh tế mới của người dân trong thời điểm dịch bệnh vẫn còn đang diễn ra.
Gia đình chị Nguyễn Sol Pha, ngụ ấp Tân Hòa A, xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp là hộ chăn nuôi có đàn lợn bị nhiễm dương tính với dịch tả lợn châu Phi đầu tiên của Kiên Giang khi có tổng đàn lợn bị tiêu hủy hoàn toàn là 33 con.
Chị Pha cho biết, dịch tả lợn vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn nên ngành chuyên môn khuyến cáo không nên tái đàn vào thời điểm này. Hiện gia đình chị đã tận dụng diện tích chuồng trại bỏ trống bắt đầu chuyển đổi sang nuôi thử nghiệm giống vịt siêu ngỗng với kỳ vọng phát triển kinh tế ổn định. Với tổng đàn vịt nuôi qua từng đợt trên 100 con, sau thời gian hơn hai tháng đàn vịt phát triển tốt, bán với giá 45.000 đồng/kg, giúp gia đình có chi phí trang trải cuộc sống.
Tại ấp Kinh 10B, thị trấn Tân Hiệp, gia đình anh Nguyễn Hoài Giang cũng có đàn lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn trên 100 con, trọng lượng gần 3 tấn. Sau khi đàn lợn bị tiêu hủy, anh Giang tìm hiểu kỹ thuật về đối tượng nuôi, các biện pháp phòng, trị bệnh. Gia đình anh đã quyết định đầu tư vốn mua giống 200 con gà nòi lai về thả vào chuồng lợn đang trống, đến nay đàn gà được hơn một tháng.
Theo anh Giang, nuôi gà đỡ công chăm sóc và chi phí đầu tư cũng nhẹ, do tận dụng chuồng lợn có sẵn nên không phải tốn chi phí chuồng trại. Trong quá trình nuôi, cán bộ nông nghiệp thường xuyên đến hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cho uống vắc xin, tiêm phòng dịch bệnh. Sau hơn ba tháng nuôi, đàn gà sẽ đạt chuẩn để xuất bán. Đây là bước đầu để anh Giang vừa có thể học hỏi kỹ thuật, vừa phát triển kinh tế gia đình bằng vật nuôi mới.
Tân Hiệp được xem là địa phương có nhiều hộ chăn nuôi lợn quy mô trang trại cùng với hàng ngàn hộ nuôi lợn nhỏ lẻ quy mô gia đình. Đây cũng là huyện bị thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Kiên Giang với tổng số lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi buộc phải tiêu hủy trên 12.000 con, tổng trọng lượng gần 800.000 tấn.
Thời gian gần đây, Tân Hiệp cũng đã kịp thời thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi và khuyến cáo một số vật nuôi mà người dân có thể quan tâm chuyển đổi trong giai đoạn này là nuôi gà, vịt, lươn thương phẩm, cá, ba ba… Bước đầu chuyển đổi, các hộ dân sẽ được hỗ trợ kỹ thuật, quy trình chăn nuôi từng đối tượng, cách xử lý chuồng trại, các biện pháp phòng bệnh.
Theo Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp Phan Kim Loan, các hộ dân muốn chuyển đổi sang vật nuôi khác sẽ gặp nhiều khó khăn khi đã quen chăn nuôi lợn nhiều năm qua. Muốn chuyển sang phải học kỹ thuật chăn nuôi cho phù hợp, và chỉ nên chăn nuôi từng bước với quy mô nhỏ, không nên đầu tư quá lớn, vì rủi ro cao khi chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chăn nuôi.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp hiện đã hỗ trợ một phần con giống, thức ăn cho các hộ có nhu cầu chuyển đổi vật nuôi sau khi bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; tiến hành mở các lớp tập huấn chăn nuôi để phù hợp với điều kiện hộ gia đình.
Phòng cũng đề xuất với Ngân hàng Chính sách tiến hành cho vay vốn các hộ chăn nuôi theo diện giải quyết việc làm, đảm bảo phát triển các mô hình chăn nuôi theo yêu cầu của các ngành chuyên môn đã khuyến cáo.
Hiện toàn tỉnh Kiên Giang 119 xã, thị trấn thuộc 14/15 huyện, thành có dịch tả lớn châu Phi công bố dịch bệnh. Kiên Giang cũng đã chi gần 62 tỷ đồng để hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại theo đúng quy định. Chủ trương của tỉnh là dừng tái đàn lợn trong thời điểm dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Lúc này, việc chuyển đổi vật nuôi để duy trì sản xuất sẽ góp phần đem lại nguồn thu nhập cho những hộ bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, cũng đem lại nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân, không nên ồ ạt chuyển đổi với số lượng lớn và cần có sự hướng dẫn về kỹ thuật của cán bộ địa phương.