Huyện Châu Đức và thị xã Phú Mỹ là địa phương có số ổ dịch cao nhất tỉnh. Hiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Dù các lực lượng chức năng, người dân đã thực hiện mọi biện pháp để phòng trừ nhưng dịch chưa có dấu hiệu dừng lại và đang lây lan nhanh và lan rộng.
Bên cạnh các hộ treo chuồng, ngừng không tái đàn thì nhiều hộ dân đã bắt đầu xử lý chuồng trại, tổ chức lại sản xuất bằng cách mạnh dạn chuyển đổi mô hình chăn nuôi, vực dậy kinh tế gia đình.
Sau gần 1 tháng dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại trang trại của gia đình, anh Nguyễn Văn Hải, ấp Vĩnh Bình, xã Bình Giã, huyện Châu Đức đã bắt tay vào việc sửa sang chuồng trại, làm nền để chuyển sang nuôi vịt lấy thịt với tổng đàn lên đến 2.000 con.
Anh Hải cho biết, gia đình anh nuôi lợn từ giữa năm 2017, thời điểm giá bắt đầu khởi sắc, anh mạnh dạn vay vốn để đầu tư tăng đàn lợn và mở rộng trang trại. Phấn khởi chưa được bao lâu thì xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.
Dịch tả lợn châu Phi khiến 130 con lợn của gia đình anh bị tiêu hủy, tổng thiệt hại lến đến 500 triệu đồng. Số tiền vay mượn đầu tư chăn nuôi vì thế vẫn chưa trả được. Khó khăn là vậy nhưng anh vẫn quyết tâm theo đuổi lĩnh vực chăn nuôi bằng cách chuyển sang nuôi gia cầm, chờ khi dịch lắng xuống sẽ tái đàn lợn.
Nói về việc chuyển đổi mô hình, anh Hải cho biết, hiện nay, để quay vòng vốn nhanh anh chọn nuôi vịt, thời gian nuôi ngắn, giá cả ổn định hơn. Bên cạnh đó, đến nay các loại bệnh trên vịt trong thời gian nuôi đều đã có thuốc phòng bệnh.
Tương tự, ông Ngô Văn Rườm, hộ nuôi lợn ở xã Xà Bang, huyện Châu Đức cho biết, vào khoảng tháng 7, trang trại của ông có 80 con lợn trong bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi nên phải tiêu hủy toàn bộ, thiệt hại lên đến hơn 200 triệu đồng. Khi trang trại không còn lợn, những người làm công cho ông cũng phải nghỉ việc để tìm nghề khác mưu sinh. Còn ông không muốn nhìn chuồng trại trống không nên quyết định vay mượn tiền để đầu tư nuôi gia cầm nhằm trang trải cuộc sống.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Ngành thú y tỉnh cũng khuyến cáo người dân không nên tái đàn trong thời điểm này và khuyến khích người dân chuyển dần sang chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác.
Thời điểm trùng vào dịp người chăn nuôi tái đàn, phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán nên tốc độ tăng đàn gia cầm của tỉnh hiện khá cao.
Theo tính toán sơ bộ, nếu như thời điểm cách đây 3 tháng - khi chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi thì tổng đàn gia cầm của tỉnh vào khoảng 5,1 triệu con nhưng đến nay con số này tăng lên khoảng 5,8 triệu con, tăng hơn 10%.
Việc tăng đàn gia cầm nhanh trong thời điểm này đang vào mùa mưa, nguy cơ dịch bệnh tăng cao, khiến người chăn nuôi gặp nhiều rủi ro nếu không chú trọng phòng ngừa.
Ông Giao Văn Sỹ - Trưởng phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, việc chuyển từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi gia cầm thì sẽ tiếm ẩn một số khó khăn. Cụ thể như: người chăn nuôi lợn chưa có sự hiểu biết về gia cầm nên sẽ khó đạt kinh tế cao như các hộ đã quen chăn nôi gia cầm. Bên cạnh đó, khi chưa có kỹ thuật phòng dịch tốt thì nguy cơ dịch bệnh đối với đàn gia cầm là rất cao. Ngoài ra, khi chuyển từ nuôi lợn sang nuôi gia cầm có thể khiến cung vượt quá cầu nên giá cả sẽ thấp, vì vậy ông Sỹ khuyến cáo bà con nên lưu ý vấn đề này.
Cũng theo ông Giao Văn Sỹ, việc chuyển đổi chăn nuôi lợn sang các loại vật nuôi khác trong thời điểm “bão” dịch như hiện nay là việc nên làm, nhưng không nên thực hiện một cách ồ ạt.
Ông Sỹ cho rằng, cần phải xây dựng lại các chuỗi cung ứng để đảm bảo về thị trường, hướng đến sự phát triển bền vững. Có như vậy mới tránh được tình trạng cung vượt cầu, khi đó tình trạng rớt giá sẽ không còn là nỗi lo của người chăn nuôi.
Theo thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến ngày 23/9, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xuất hiện 765 ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 59 địa bàn cấp xã của 7 huyện, buộc phải tiêu hủy 22.529 con với tổng trọng lượng tiêu hủy là gần 1.476 tấn.