Một số địa phương phát sinh nhiều lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy trong tuần là: Ba Vì 2.705 con, Chương Mỹ 323 con, Phúc Thọ 268 con, Mỹ Đức 264 con, Ứng Hòa 245 con lợn...
Như vậy, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 30.373 hộ chăn nuôi (chiếm 37,6% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 2.336 thôn, tổ dân phố của 449 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và phải tiêu hủy 518.022 con lợn (chiếm 27,6% tổng đàn) với trọng lượng 35.483 tấn. Tổng số lợn nái, lợn đực giống phải tiêu hủy là 67.917 con, chiếm 13% tổng số lợn phải tiêu hủy trên địa bàn thành phố.
Đến nay, có 248 xã, phường, chiếm 55% số xã, phường xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh...
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, để phòng chống bệnh quay trở lại trong thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống theo đúng Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng nông nghiệp sẽ phối hợp để quan trắc, giám sát chất lượng môi trường tại một số ô chôn lấp lợn bị bệnh; thông tin, hướng dẫn cụ thể về chuyên môn, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh; tuyên truyền để người tiêu dùng không quay lưng lại với thịt lợn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục kiểm tra, rà soát, bổ sung đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ kịp thời việc phòng chống dịch trên địa bàn thành phố; tiếp tục duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông ra vào thành phố và tổ kiểm dịch động vật liên ngành lưu động để tuần tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông tại các trục đường giao thông trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật.