Dịch tả lợn châu Phi tái phát ở một số địa phương tại Thanh Hóa

Dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu bùng phát trở lại tại một số xã đã công bố hết dịch.

Nhờ làm tốt công tác dập dịch, Thanh Hóa đã có 268 xã, phường, thị trấn thuộc 6 huyện trên trên địa bàn khống chế và công bố hết dịch gồm: Thường Xuân, Mường Lát, Ngọc Lặc, Quan Hóa, Quan Sơn, Bỉm Sơn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu bùng phát trở lại tại một số xã đã công bố hết dịch thuộc các huyện Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương ở Thanh Hóa.

Chú thích ảnh
Cán bộ xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái vận chuyển lợn đến nơi tiêu hủy. Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN

Để từng bước khống chế dịch bệnh, thời gian tới, tại hội nghị nghe báo cáo tình hình dịch tả lợn châu Phi và công tác phòng, chống dịch bệnh vừa được tổ chức tại Thanh Hóa, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục kiểm soát dịch theo phương châm “Huyện giữ huyện, xã giữ xã, thôn giữ thôn, hộ giữ hộ”.

Đối với các huyện bệnh dịch bùng phát lớn, tốc độ lây lan nhanh, cần kiểm điểm trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua. Đồng thời, các đơn vị liên quan tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả giải pháp để sớm kiềm chế bệnh dịch tả lợn châu Phi; duy trì biện pháp phòng, chống dịch như thời kỳ đầu, bảo đảm đủ điều kiện phòng, chống dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi là chặng đường dài nên các sở, ngành, đơn vị có liên quan, các địa phương có cơ chế kiểm soát liên tục, thường xuyên, tự giác theo đúng chức năng, nhiệm vụ; chủ động duy trì thông tin về diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, trong đó, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc phát hiện dịch từ cơ sở.

Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện chịu trách nhiệm cập nhật, theo dõi, giám sát tình hình diễn biến dịch bệnh; tiếp tục thực hiện biện pháp tiêu độc khử trùng các vùng dịch, ở những hộ có dịch, những nơi tiêu hủy. Các ngành Công an, Quản lý thị trường, Thú y duy trì 7 trạm kiểm dịch liên ngành tại các điểm đầu mối; trong đó, tập trung kiểm soát vận chuyển, lưu thông động vật, lợn và các sản phẩm từ thịt lợn.

Đối với công tác tái đàn, tỉnh Thanh Hóa lưu ý ngành nông nghiệp cần có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương và bà con nông dân về thực hiện các biện pháp tái đàn ở những nơi có đủ điều kiện; chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Các địa phương thành lập tổ công tác của tỉnh để kiểm tra, cập nhật tình hình về công tác phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi; phân công cán bộ xuống chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại các xã…

Ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho hay, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân chính để dịch tả lợn châu Phi lây lan, bùng phát mạnh tại các địa phương trong thời gian qua là do công tác tiêu hủy, công tác xử lý vệ sinh, tiêu độc ổ dịch không bảo đảm quy trình, không đúng quy định làm phát tán dịch bệnh. Hầu hết tại các xã không có đội tiêu hủy lợn theo quy định. Lực lượng tham gia tiêu hủy không được trang bị quần áo bảo hộ, ủng, găng tay, khẩu trang….

*Tại Yên Bái, ông Đàm Duy Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái vừa cho biết, mục tiêu tỉnh Yên Bái đề ra là đến 30/9 sẽ cơ bản khống chế được dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh.

Để hoàn thành mục tiêu này, Ủy Ban Nhân dân tỉnh Yên Bái đã ra Quyết định số 1762 /QĐ-UBND ngày 10 tháng 9 năm 2019 về việc thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Hiện tại các đoàn kiểm tra đã đến cơ sở để tiến hành kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; kiểm tra công tác chi trả kinh phí hỗ trợ cho chủ vật nuôi có lợn bắt buộc tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi, kinh phí hỗ trợ cho cán bộ thú y và những người tham gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đồng thời, UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của UBND tỉnh để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi về dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp phòng, chống; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Tỉnh Yên Bái cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tuyệt đối không để xảy ra tình trạng vứt xác lợn bệnh ra ngoài môi trường; tiếp tục tiêm vắc xin phòng chống các dịch bệnh thông thường trên đàn lợn… 

Sau 4 tháng dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên địa bàn tỉnh Yên Bái, đến ngày 12/9/2019 dịch đã xảy ra tại 2.866 hộ; 345 thôn, bản, tổ; 106 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tổng số lợn mắc bệnh 12.932 con, tiêu hủy 16.191 con, trọng lượng 736.899 kg.

Tổng kinh phí đã hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch tại 9 huyện, thị, thành phố là trên 12 tỷ đồng. Đáng lưu ý là do áp dụng tốt các quy trình chăn nuôi khép kín nên các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh Yên Bái  đều không có dịch xảy ra.

Nhóm phóng viên TTXVN
Ninh Thuận khoanh vùng dập dịch tả lợn châu Phi ngay tại chỗ
Ninh Thuận khoanh vùng dập dịch tả lợn châu Phi ngay tại chỗ

Các địa phương xảy ra dịch tả lợn châu Phi phải khẩn trương khoanh vùng, tập trung dập dịch, không để dịch tả lợn lây lan sang các địa phương khác. Đồng thời thực hiện mọi biện pháp có thể để chống dịch, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi lợn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN