Dịch tả lợn châu Phi lây lan tại Ninh Thuận

Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, ông Lê Kim Hoàng cho biết, UBND huyện đã quyết định công bố dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn xã Bắc Sơn với số lượng 26 con được địa phương và ngành chức năng tiến hành tiêu hủy.

Chú thích ảnh
Phun thuốc tiêu độc khử trùng phòng dịch tả lợn châu Phi tại hộ chăn nuôi lợn ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Như vậyc tại Ninh Thuận, đến thời điểm này, huyện Thuận Bắc là địa phương thứ hai, sau huyện Ninh Sơn xuất hiện dịch tả lợn châu Phi và phải quyết định công bố dịch.

Theo báo cáo của Trạm Thú y và Chăn nuôi huyện Thuận Bắc, ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại hộ chăn nuôi Hoàng Minh Lễ, ở thôn Láng Me, xã Bắc Sơn với số lượng 26 con lợn thịt.

Trước đó, sau khi lợn có dấu hiệu bị bệnh và có một vài con bị chết bất thường, ông Lễ đã báo với chính quyền địa phương xã Bắc Sơn và được thông báo đến Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh. Chi cục đã cử lực lượng tiến hành lấy mẫu gửi Chi cục Thú y Vùng VI xét nghiệm. Kết quả, 26 con lợn trên đã bị dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Để tránh lây lan dịch bệnh ra các vùng xung quanh, ngoài việc tiêu hủy toàn bộ số lợn bị dịch, ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng đang rất khẩn trương tổ chức khoanh vùng dập dịch; bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ tại các trạm, chốt, các ngõ ra vào vùng dịch để kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn ra, vào vùng dịch. Bên cạnh đó thực hiện phun hóa chất tiêu độc khử trùng vùng dịch với tần suất 1 ngày/lần; đồng thời, thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng cả vùng lân cận để tránh xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh.

Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, tính đến ngày 11/9, hai huyện Ninh Sơn và Thuận Bắc đã có tổng đàn lợn bị dịch tả châu Phi phải tiêu hủy trên 100 con. Hiện nay, địa phương đang bước vào mùa mưa, nếu không kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh thì nguy cơ lây lan, bùng phát dịch trên diện rộng là khó tránh khỏi.

Với phương châm chống dịch như chống giặc, các địa phương cần chủ động có giải pháp ứng phó kịp thời, không để dịch tả lợn châu Phi xảy ra tràn lan. Các địa phương đã xảy ra dịch, cần lập tức khoanh vùng dập dịch; tiêu hủy ngay lợn nghi mầm bệnh đúng nơi, đúng chỗ; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát vùng bị uy hiếp, vùng đệm.

Ngoài ra, tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; xử lý nghiêm trường hợp người chăn nuôi giấu dịch, giết mổ lợn bị bệnh để bán hoặc vứt bừa bãi lợn bị dịch và chết ra môi trường.

Hiện nay, hai huyện xảy ra dịch tả lợn châu Phi là Ninh Sơn và Thuận Bắc rất chủ động sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ các đối tượng có lợn bị tiêu hủy do dịch tả theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.      

Tin, ảnh: Công Thử    (TTXVN)
Đồng Nai chậm chi trả hỗ trợ cho người dân thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi
Đồng Nai chậm chi trả hỗ trợ cho người dân thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi

Ngày 10/9, UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với các sở, ngành, đơn vị cấp huyện về việc chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN