Các địa phương tập trung phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Ban Chỉ đạo phòng chống khẩn cấp dịch tả lợn châu Phi tỉnh Đồng Nai cho biết đến ngày 28/8, trên địa bàn đã có 3.456 hộ, thuộc 125 xã, 11 huyện thành phố thuộc Đồng Nai đã có đàn lợn nhiễm dịch tả châu Phi, với số lượng lợn tiêu hủy 319.819 con, tổng trọng lượng gần 17.120 tấn.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng Đồng Nai tiến hành tiêu hủy lợn mắc bệnh tả châu Phi tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN

Để ngăn phòng ngừa mầm bệnh lây lan và hạn chế thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh Đồng Nai khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi lợn giảm đàn theo hướng thay thế các loại vật nuôi khác để ổn định, cân đối thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay không tái đàn đối với các cơ sở chăn nuôi đã bị dịch bệnh, để giảm áp lực lây lan mầm bệnh.

Tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, điều tra dịch tễ, phát hiện kịp thời xử lý không để dịch bệnh lây lan diện rộng; tổ chức tốt các đội tiêu hủy lợn mắc bệnh, đảm bảo thực hiện chặt chẽ vệ sinh tiêu độc khử trùng, tránh phát tán mầm bệnh.

UBND tỉnh Đồng Nai, nhận định thời điểm hiện nay Nam Bộ đang vào mùa mưa, do đó tình hình dịch tả lợn châu Phi sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan dịch rất nhanh do phát tán từ nguồn nước.

Tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ địa phương hoàn chỉnh các thủ tục công nhận Phòng xét nghiệm tại Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai đủ điều kiện xét nghiệm virus dịch tả lợn châu Phi. Đối với người chăn nuôi, cần thực hiện chặt chẽ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường vệ sinh tiêu độc, khử trùng và kiểm soát vận chuyển để phòng chống dịch lây lan.

“Thủ phủ” chăn nuôi lợn Đồng Nai trước khi xảy ra dịch tả châu Phi có tổng đàn 2,5 triệu con, tuy nhiên số lượng đàn đã giảm xuống còn 1,9 triệu con, trong đó đàn lợn nái còn 320.000 con, giảm 100.000 con so với thời điểm chưa xuất hiện dịch. Đồng Nai đang lo lắng khả năng tái đàn sau “bão dịch” có thể mất vài năm.

Trong khi đó, tại tỉnh Lâm Đồng trong tuần qua giảm cả về số lợn tiêu hủy, số hộ, số xã phát sinh ổ dịch tả lợn châu Phi mới. Nguyên nhân có thể là do những ngày qua, giá lợn hơi trên thị trường có xu hướng tăng mạnh (từ 42.000 - 44.000 đồng/kg). Vì vậy, người dân có ý thức hơn trong việc phòng chống dịch bệnh, đàn lợn được chăm sóc kỹ, sức đề kháng tốt hơn làm giảm khả năng lây nhiễm dịch bệnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đánh giá, thời gian tới, giá lợn tăng, người chăn nuôi sẽ xuất bán nhiều; nhu cầu mua bán, vận chuyển lợn giữa các địa phương tăng lên nên càng phải tăng cường kiểm soát, nếu không dịch sẽ phát sinh và lây lan.

Nguy cơ bệnh tiếp tục xâm nhiễm từ cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ tới trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô, số lượng lợn lớn là rất cao, có khả năng lây lan từ vùng đang có dịch tới địa phương khác.  

Chú thích ảnh
Chốt kiểm dịch động vật tại quốc lộ 27 đoạn qua xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh phối hợp với địa phương theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để chỉ đạo và hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật trong phòng chống dịch bệnh. Cán bộ giám sát dịch được bố trí  kịp thời để lấy mẫu xét nghiệm, làm cơ sở xuất bán, vận chuyển, giết mổ đối những đàn lợn không mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Việc phân bổ 500 lít hóa chất cho huyện Đạ Huoai thực hiện khử trùng tiêu độc phòng chống dịch bệnh cần được thực hiện.

Trong khi đó, tỉnh Bình Thuận cũng đang huy động lực lượng triển khai biện pháp đối phó với dịch tả lợn châu Phi.

Huyện Đức Linh là một trong những vùng chăn nuôi lớn của tỉnh. Đây cũng là địa phương dịch tả lợn châu Phi hoành hành và thiệt hại nhiều.

Theo chính quyền địa phương, thời tiết ẩm thấp là điều kiện thuận lợi để vi rút gây bệnh phát triển mạnh. Tỷ lệ hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ trên địa bàn huyện nhiều trong khi đó, mật độ dân cư sống tập trung cao. Đa số đều có chuồng trại liền kề nên khi phát sinh dịch bệnh khó kiểm soát, khống chế.

Huyện Đức Linh có nhiều tuyến đường giao thương với các huyện lân cận. Mật độ phương tiện lưu thông cao là một trong những nguyên nhân khiến bệnh dịch phát triển lây lan nhanh, khó kiểm soát.

Hiện huyện có 11/13 xã công bố dịch với 67/84 thôn, khu phố có dịch. Địa phương tiêu hủy hơn 27 nghìn con lợn, tương đương 90% tổng đàn lợn phải tiêu hủy vì dịch bệnh. Chính quyền địa phương nỗ lực kiểm soát, khoanh vùng dịch không để bệnh lây lan, quyết tâm bảo vệ đàn lợn còn lại.

Theo ông Huỳnh Văn Tú – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Đức Linh, thời gian tới, huyện tập trung rà soát, sắp xếp lại quy mô chăn nuôi nông hộ, đồng thời xây dựng phương án, kế hoạch tái đàn sau khi bệnh dịch kết thúc. Huyện khuyến khích người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy chuyển sang một số loại con nuôi khác như bò, gà, vịt... Cách làm này đáp ứng bù sản lượng thịt từ lợn do bệnh dịch tả châu Phi.

Sau hơn 2 tháng xuất hiện dịch tại Bình Thuận, dịch tả lợn châu Phi lan rộng ra 31 xã, phường, thị trấn tại 6 huyện, thị xã gồm: thị xã La Gi, huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Đức Linh, huyện Tánh Linh, huyện Hàm Tân và thành phố Phan Thiết. Toàn tỉnh tiêu hủy hơn 31.000 con lợn với tổng trọng lượng hơn 2.000 tấn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh yêu cầu các các địa phương thực hiện nghiêm túc việc khử trùng tiêu độc phương tiện ra vào ổ dịch; quản lý chặt hoạt động giết mổ và kinh doanh thịt lợn nhằm hạn chế việc lây lan dịch bệnh...;  quản lý chặt đàn lợn rừng lai nuôi tại các hộ gia đình, không để xảy ra trường hợp bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh từ đàn lợn rừng lai và lây lan cho đàn lợn của các địa phương còn lại.

Tỉnh cũng duy trì hoạt động 62 chốt kiểm dịch tạm thời để đảm bảo kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm nhất là lợn ra vào tỉnh, ra vào vùng dịch, vùng uy hiếp. Các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương phải tuyên truyền, vận động người dân bình tĩnh, yên tâm và không quay lưng với thịt lợn.

Các địa phương có dịch tăng tần suất thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau để người dân nắm được diễn biến, tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng tránh dịch bệnh trong vùng dịch như. Cụ thể, tuyên truyền từ 2 - 4 lần/ngày để người dân thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là nội dung “5 không, 10 cấm” gắn với tuyên truyền để người dân không tái đàn trong thời điểm này và xuất bán lợn khi đến tuổi xuất chuồng.

Đặng Tuấn - Hồng Hiếu - Sỹ Tuyên (TTXVN)
Dịch tả lợn châu Phi có xu hướng lây lan
Dịch tả lợn châu Phi có xu hướng lây lan

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống khẩn cấp dịch tả lợn châu Phi tỉnh Đồng Nai, hiện dịch đang lây lan trên địa bàn với tốc độ rất nhanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN