Đến nay, toàn tỉnh đã có 13 xã công bố hết dịch bệnh tả lợn châu Phi, bao gồm các xã: Liêm Phong, Thanh Bình, Liêm Thuận, Liêm Cần, Thanh Lưu (huyện Thanh Liêm); Phù Vân, Liêm Tiết (thành phố Phủ Lý); Thi Sơn, Nhật Tân, Thụy Lôi, Đồng Hóa, thị trấn Ba Sao và thị trấn Quế (huyện Kim Bảng).
Bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam từ ngày 28/2/2019. Đến nay, toàn tỉnh phải tiêu hủy hơn 120.000 con lợn của hơn 8.800 hộ chăn nuôi thuộc 111 xã, phường, thị trấn của 6 huyện, thành phố; trong đó nhiều nhất là huyện Lý Nhân với hơn 38.400 con, huyện Bình Lục hơn 37.100 con, Kim Bảng hơn 21.300 con.
Các địa phương trong tỉnh sử dụng hơn 44.200 lít hóa chất, hơn 2.400 tấn vôi bột; phun khử trùng hơn 34,8 triệu m2 chuồng trại, môi trường xung quanh và trong vùng dịch.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có dấu hiệu giảm dần. Tuy nhiên, các địa phương không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch, tiếp tục thực hiện giám sát, phát hiện sớm và xử lý nhanh ổ dịch mới.
Việc tái đàn tuân thủ biện pháp tiêu độc, khử trùng, bảo đảm không còn tồn tại vi rút bệnh dịch tả châu Phi trong chuồng nuôi; nhập lợn giống từ trại nuôi an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lợn đã được lấy mẫu xét nghiệm âm tính với vi rút bệnh dịch tả châu Phi. Người chăn nuôi phải tuân thủ bước nhập nuôi lợn, tránh tái đàn ồ ạt (nhập khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi được 30 ngày thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, nếu các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi mới tăng dần số lượng lợn nuôi. Các hộ chăn nuôi cũng có thể nghiên cứu, tìm hiểu chuyển sang nuôi gia cầm hoặc các con vật nuôi khác như: trâu, bò, dê, thỏ...