Vừa qua, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa tin bà Đỗ Thị Nhung, ở ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi ăn hèm rượu, kết quả là lợn hết bệnh; từ đó nhận định, hèm rượu có thể chữa được dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, theo khẳng định của ngành chức năng, đây là thông tin sai lệch, việc dùng hèm rượu, hun khói mùn cưa không có hiệu quả đối với lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, đầu tháng 8/2019, nhiều cơ quan truyền thông đưa tin, bà Đỗ Thị Nhung có đàn lợn 15 con bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Sau đó, bà cho lợn mắc bệnh ăn bã hèm rượu kết hợp đổ hèm nóng ra nền chuồng, hun khói bằng mùn cưa để giữ ấm. Từ đây đàn lợn dần hồi phục, ăn uống trở lại. Cơ quan chức năng Đồng Nai tiếp tục lấy mẫu trên đàn lợn này đưa đi xét nghiệm, kết quả lợn không còn nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Sau khi có thông tin trên, Chi cục Thú y vùng VI phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai vào cuộc. Theo kết quả xác minh, cuối tháng 7/2019, bà Đỗ Thị Nhung phát hiện đàn lợn 15 con có dấu hiệu bệnh, ngành chức năng đến kiểm tra, ghi nhận đàn lợn của bà Nhung có 1 con bị nóng sốt, bỏ ăn; đồng thời, lấy 3 mẫu huyết thanh (gộp vào 1 mẫu xét nghiệm) gửi Chi cục Thú y vùng IV xét nghiệm, kết quả dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi.
Khi cơ quan chức năng định tiến hành tiêu hủy 15 con lợn này thì bà Nhung có đơn xin giữ lại nuôi vì trong những ngày chờ kết quả xét nghiệm, bà dùng hèm rượu cho lợn ăn, hun khói mùn cưa để giữ ấm, bổ sung vitamin thì thấy lợn khỏe lại, có dấu hiệu hồi phục. Chính quyền huyện Thống Nhất chấp thuận đề nghị của bà Nhung và sau đó, ngành chức năng nhiều lần lấy mẫu xét nghiệm, kết quả không phát hiện vi rút dịch tả lợn châu Phi.
Để kiểm chứng, ngày 19/8, cơ quan chức năng Đồng Nai đã đưa đến chuồng nuôi của bà Nhung 20 con lợn (được lấy từ đàn lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi nhưng chưa có dấu hiệu lâm sàng của bệnh); đồng thời, đề nghị bà Nhung cho số lợn này ăn bã hèm rượu và chăm sóc như cách bà đã làm với 15 con trước đó.
Ngày 22/8, ngành chức năng lấy 20 mẫu huyết thanh và 20 mẫu máu kháng đông từ số lợn giao cho bà Nhung nuôi tiến hành xét nghiệm. Kết quả, có 7/20 mẫu dương tính với dịch tả lợn châu Phi, không phát hiện kháng thể trên toàn bộ mẫu. Đến ngày 29/8, có 10 con lợn đã chết vì dịch tả lợn châu Phi, số còn lại sức khỏe yếu, có triệu chứng lâm sàng của bệnh, nhiều khả năng tiếp tục chết.
Hiện, các đơn vị liên quan đã tiến hành kiểm tra, rà soát lại việc lấy mẫu, gửi mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy toàn bộ quá trình này được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.
Từ kết quả trên, Chi cục Thú y vùng VI nhận định, việc dùng hèm rượu, hun khói mùn cưa không có hiệu quả đối với lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Đối với đàn lợn 15 con mà bà Nhung nuôi trước đó, mặc dù xét nghiệm lần 1 (ngày 23/7, xét nghiệm 1 mẫu gộp từ 3 mẫu lấy) phát hiện thấy vi rút dịch tả lợn châu Phi, nhưng hàm lượng vi rút trong mẫu rất thấp. Tài liệu nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, trong tự nhiên đã có những cá thể lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi nhưng sau đó tự khỏi bệnh.
Chi cục Thú y vùng VI kết luận, đàn lợn 15 con của bà Nhung đến nay vẫn khỏe mạnh có thể là do ban đầu chỉ có 1 con bị nhiễm với lượng vi rút thấp, sau đó tự miễn nhiễm theo cơ chế sinh học tự nhiên của động vật. Do lượng vi rút thấp nên không đủ gây lây nhiễm cho những con lợn còn lại.
Qua vụ việc này, Chi cục Thú y vùng VI đã đề nghị, ngành chức năng cần rõ ràng khi phát ngôn và trả lời các cơ quan truyền thông. Điều này nhằm tránh gây hiểu nhầm cho công chúng, ảnh hưởng tiêu cực đến phòng chống dịch tả lợn châu Phi.