Cụ thể, trong việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, Cần Thơ đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, đầy đủ các bước theo quy định. Dịch bệnh hầu như chỉ xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn hơn 30 điểm chăn nuôi tập trung lớn của thành phố thì hầu như không xảy ra. Có được kết quả này nhờ ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi đã chủ động thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng, từ khi ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại Cần Thơ đến nay đã hơn 5 tháng nhưng chỉ có khoảng 1/3 trong số tiền ngân sách, khoảng 100 tỷ đồng mà thành phố dành để hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại bởi dịch tả lợn châu Phi được chi.
“Lý do tại sao đến giờ này hộ dân vẫn chưa nhận được hỗ trợ từ ngân sách trong khi thành phố đã chủ động chuẩn bị từ tháng 6?”, ông Nguyễn Thanh Dũng đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Thanh Dũng cũng chỉ ra lý do đầu tiên nằm ở các địa phương bởi bên cạnh các địa phương đã sử dụng hết nguồn ngân sách dự phòng để hỗ trợ người dân như quận Cái Răng, huyện Phong Điền thì vẫn còn một số nơi chậm trễ trong việc này.
Theo quy định, thành phố giao cho các quận, huyện lấy từ nguồn ngân sách dự phòng để chi hỗ trợ cho người dân nhưng có nơi nguồn quỹ dự phòng đến thời điểm này vẫn chưa sử dụng hết, 9-10 tỷ thì mới sử dụng 1-2 tỷ. Trong khi đó số hộ chăn nuôi được hỗ trợ còn rất ít.
Vì vậy, ông Nguyễn Thanh Dũng đề nghị ngay sau hội nghị, UBND các quận, huyện phải chỉ đạo ngành nông nghiệp và các xã, phường đẩy nhanh việc hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại theo đúng chính sách, đúng quy định.
Đồng thời, giao Sở Tài chính tham mưu cho UBND thành phố kịp thời phân bổ ngân sách cho các địa phương. Nếu địa phương nào không thực hiện chỉ đạo điều hành của UBND thành phố một cách đầy đủ cũng như Sở Tài chính không chủ động được nguồn kinh phí thì các đơn vị này phải chịu trách nhiệm.
Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ cho rằng, người dân bị thiệt hại rất cần nguồn hỗ trợ này để có thể tái đàn khi được phép hoặc chuyển đổi sang vật nuôi khác nhưng suốt 5 tháng qua thành phố không hỗ trợ được. Trong khi đó, những nơi tự đặt ra những tiêu chuẩn, yêu cầu không cần thiết đối với người dân, không đúng theo hướng dẫn.
“Sở Tài chính cần nhanh chóng tham mưu cho UBND thành phố xử lý nguồn kinh phí còn thiếu do đã sử dụng hết nguồn dự phòng để thành phố chuyển xuống bổ sung cho các quận, huyện tiến hành chi hỗ trợ cho người dân. Đối với nguồn ngân sách thành phố, nếu có thiếu hụt thì giao Sở Tài chính tham mưu cụ thể, làm sao trong tháng 10 phải giải quyết được vấn đề này”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng chỉ đạo.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, giá lúa giảm, xuất khẩu gặp khó, triều cường lên đã ảnh hưởng đến đời sống người dân và cơ sở hạ tầng... Nhưng với sự nỗ lực chỉ đạo của thành phố, cố gắng của người dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp đã đạt được kết quả khá.
Tuy nhiên, trong 3 tháng cuối năm, ngành nông nghiệp, các địa phương cần tập trung chỉ đạo tốt sản xuất lúa Đông Xuân 2019-2020, sản xuất rau màu, hoa cảnh, cây ăn quả phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2020. Đồng thời, thực hiện các giải pháp hướng dẫn cho nông dân, doanh nghiệp phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; quản lý chặt chẽ dịch bệnh thú y, đẩy nhanh việc hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại, hỗ trợ nông dân tái đàn heo.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại hơn 2.200 hộ chăn nuôi ở 76/85 xã, phường của 9 quận, huyện. Số lượng lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là hơn 59.000 con với khối lượng hơn 3.300 tấn (chiếm hơn 40% tổng đàn lợn của Cần Thơ).