Thời gian qua dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trên địa bàn Long An diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi. Đến nay dịch tả lợn châu Phi đã được phát hiện tại 2.572 hộ, thuộc 172 xã, phường của 15 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tổng số lợn bệnh và đã tiêu hủy 63.633 con, ước thiệt hại xấp xỉ 150 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, giá lợn hơi hiện tăng cao, dẫn đến tình trạng nhập lậu lợn thông qua các huyện, thị biên giới giáp Campuchia. Số liệu từ cơ sở cho thấy, lượng lợn nhập qua đường biên giới thuộc tỉnh Long An, đi theo các đường tiểu ngạch, với số lượng trung bình từ 700 - 1.000 con/ngày.
Thực tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An đã phối hợp các ban ngành phát hiện và xử lý nhiều cơ sở nhập về và giết mổ lợn bị lở mồm long móng và bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết, giá lợn hơi đang tăng cao, dự báo khả năng từ nay đến Tết Nguyên đán, giá lợn hơi có thể vượt ngưỡng 90.000 - 100.000 đồng/kg. Trong khi hộ nuôi nhỏ lẻ không còn, tái đàn không được khuyến khích, khiến đường nhập lậu lợn từ biên giới sẽ tăng.
Hiện nay, nhiều xã đã kiểm soát dịch bệnh rất tốt, có 58 xã, phường (trên 172 xã, phường phát hiện dịch tả lợn châu Phi) đã qua 30 ngày không phát sinh dịch. Mặc dù vậy người nuôi lợn cũng chưa mạnh dạn tái đàn. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị các huyện biên giới phối hợp chặt với bộ đội biên phòng để theo dõi, phát hiện xử lý kịp thời, ngăn chặn tình trạng nhập lậu lợn, nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.
Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục thu mẫu giám sát, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, phối hợp kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm; ưu tiên thanh tra đột xuất cơ sở giết mổ, cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm nhỏ lẻ; nông sản thực phẩm rủi ro cao, tiêu thụ nhiều nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác kiểm soát, ngăn chăn dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng.
Tại Ninh Thuận, hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp tại 5 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận). Đến thời điểm này, dịch bệnh vẫn chưa được khống chế, nguy cơ lây lan, bùng phát ra diện rộng là khó tránh khỏi. Vì lẽ đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh Ninh Thuận đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát, khoanh vùng và xử lý gọn ổ dịch, không để xảy ra lây lan gây thiệt hại lớn.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Phan Quang Thựu cho biết, mặc dù bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế tại địa bàn 2 xã là Bắc Sơn (huyện Thuận Bắc) và Phước Thắng (huyện Bác Ái), thế nhưng, tại huyện Ninh Sơn, dịch bệnh đang xảy ra hết sức phức tạp tại 26 hộ chăn nuôi thuộc 13 thôn, khu phố của 5 xã, thị trấn thuộc huyện Ninh Sơn. Do đó, bằng mọi biện pháp có thể cần khoanh lại vùng dịch và xử lý, không để lây lan ra diện rộng, đặc biệt không để lây nhiễm vào địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.
Trước tình hình trên, tỉnh Ninh Thuận đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi với phương châm “phòng, chống dịch như chống giặc". Theo đó, Ninh Thuận đang rất khẩn trương tiến hành tiêu độc, khử trùng môi trường đợt 6 với tần suất cao tại vùng xảy ra dịch và kể cả vùng đệm.
Theo lãnh đạo UBND huyện Ninh Sơn, từ đầu tháng 9 đến nay, UBND huyện đã ban hành 4 quyết định công bố dịch bệnh tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn. UBND huyện cũng chỉ đạo rất quyết liệt công tác dập dịch, đồng thời thường xuyên cử cán bộ thú y theo dõi, giám sát diễn biến tại vùng có dịch và các vùng đệm để tránh tình trạng lây lan, mất kiểm soát.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tăng cường công tác kiểm dịch, thanh kiểm tra, kiểm soát giết mổ; đồng thời tổ chức các trạm và chốt kiểm dịch động vật trực 24/24 giờ để kiểm soát chặt chẽ tình hình, không để các phương tiện vận chuyện lợn bị bệnh nhập và quá cảnh qua địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh; đồng thời kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng vứt xác lợn bị bệnh dịch và chết xuống các kênh mương như trong thời gian qua; huyến khích người chăn nuôi thực hiện một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học để áp dụng trong chăn nuôi, đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại xảy ra.
Theo ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận, qua điều tra dịch tễ bệnh dịch tả lợn châu Phi, hiện nay bệnh đang có chiều hướng lây lan nhanh và rộng. Ở Ninh Thuận, tình trạng chăn nuôi theo phương thức nhỏ lẻ vẫn còn nhiều, chưa áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học và biện pháp kiểm soát vật chủ trung gian mang mầm bệnh vào trại kết hợp với thời tiết bất lợi do mưa nhiều, ẩm ướt làm giảm sức đề kháng của gia súc. Bên cạnh đó, hằng ngày có nhiều phương tiện vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào tỉnh, do vậy nguy cơ lây lan, phát tán dịch bệnh là rất cao.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục tăng cường giám sát dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi lợn; đồng thời tiếp tục thực hiện lấy mẫu huyết thanh theo quy định gửi về Chi cục Thú y vùng VI để xét nghiệm. Qua đó để xử lý, tiêu hủy kịp thời nếu lợn bị dương tính với dịch tả.
Tại Ninh Thuận, tính đến thời điểm này, dịch bệnh tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 29 hộ chăn nuôi ở 8 xã, thị trấn của 3 huyện là Ninh Sơn, Bác Ái và Thuận Bắc với số lượng lợn bệnh, chết buộc phải tiêu hủy hơn 890 con, với trọng lượng hơn 52.000 kg.