Thưa ông, theo nhận định của TCTK, chi phí trung gian trong giá thành thịt lợn hiện chiếm tỷ lệ lớn, từ 70 - 90% giá lợn hơi. Để giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng ở mức hợp lý, theo ông cần có những giải pháp khắc phục ra sao?
Giá các mặt hàng thực phẩm 4 tháng đầu năm 2020 tăng 13,65% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,08%, trong đó, riêng giá thịt lợn tăng 60,96%. Giá thịt lợn hơi ở mức 75.000 - 90.000 đồng/kg, giá thịt lợn bán lẻ trên thị trường từ 140.000 - 180.000 đồng/kg, sự chênh lệch này là do thiếu hụt nguồn cung, cùng với chi phí các khâu trung gian cao.
Mỗi một kg thịt lợn bán lẻ đến tay người tiêu dùng trải qua 6 - 7 khâu trung gian như chi phí qua các thương lái, vận chuyển, chi phí thú y, giết mổ, lợi nhuận của các thương nhân chợ đầu mối, chí phí đóng gói, nhãn mác, thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với thịt lợn bán trong siêu thị... điều này khiến cho giá bán lẻ khó giảm.
Tôi cho rằng, để giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng ở mức hợp lý, cần tập trung vào nhiều giải pháp:
Thứ nhất, tập trung tái đàn, tăng đàn. Hiện, công tác tái đàn chưa đạt như kỳ vọng do người chăn nuôi tiếp cận nguồn tài chính còn khó khăn, chi phí con giống tăng cao, nguồn giống chưa đủ cung ứng. Một số địa phương chưa tái đàn mạnh mẽ do lo ngại dịch hoặc nhiều địa phương đủ tiêu chuẩn công bố hết dịch, nhưng chưa công bố, nên các hộ chưa dám tái đàn. Bộ Tài chính cần hỗ trợ ngân sách để địa phương hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi. Các ngân hàng cần khoanh nợ, giãn nợ cho người chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi lớn và các trang trại để họ có điều kiện tái đàn, tăng đàn, đảm bảo nguồn cung thịt lợn từ nay đến cuối năm.
Thứ hai, các doanh nghiệp chăn nuôi phải thực hiện việc giảm giá bán lợn hơi đúng như cam kết với Chính phủ và tăng số lượng bán ra thị trường. Vì với mức giá thành sản xuất như hiện nay, giá bán lợn hơi 70.000 đồng/kg là quá cao.
Thứ ba, rà soát, tổ chức lại hệ thống thị trường theo hướng tinh gọn, giảm bớt các kênh trung gian, phân phối, cần tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa ngành chăn nuôi theo hướng giảm số lượng cơ sở chăn nuôi và lò mổ nhỏ lẻ, chuyển sang chăn nuôi quy mô lớn và giết mổ tập trung. Tổ chức khâu lưu thông theo chuỗi, từ sản xuất đến tiêu dùng; đồng thời, phải nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thịt lợn.
Thứ tư, quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá thịt lợn bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Để ổn định nguồn cung, chúng ta đang tăng cường nhập khẩu thịt lợn. Mặc dù giá thịt lợn nhập khẩu thấp hơn nhiều so với giá thịt ngoài chợ, nhưng người tiêu dùng chưa mặn mà. Theo ông, lý do nào dẫn đến tình trạng này?
Ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi, nên nguồn cung trong nước hiện chưa đảm bảo, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn từ các nước có quan hệ thương mại với Việt Nam (nếu đủ tiêu chuẩn về thú y). Tuy nhiên, do thói quen của người Việt tiêu dùng thịt “nóng”, không sử dụng thịt đông lạnh, đây là nguyên nhân chính khiến thịt lợn nhập khẩu khó tiêu thụ. Do vậy, các siêu thị cũng không mặn mà mua thịt nhập khẩu về kho để bán.
Theo ông có nên đưa thịt lợn vào danh mục hàng hóa dịch vụ cần bình ổn giá?
Theo tôi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao bình ổn thị trường thịt lợn trong bối cảnh giá thịt lợn ở mức cao. Việc đưa thịt lợn vào danh mục hàng hóa dịch vụ cần bình ổn giá hay không cần phải tính toán, đánh giá kỹ lưỡng những ảnh hưởng, tác động và ý kiến của tất cả các bộ ngành liên quan trước khi quyết định chính thức.
Vậy cần phải tiếp tục giải pháp nào để bảo đảm đủ nguồn cung, trên cơ sở đó điều hành giảm giá thịt lợn hơi xuống tiếp ở mức 60.000 đồng/kg, thưa ông?
Đối với giá thịt lợn, mặc dù Chính phủ và các Bộ đã vào cuộc, nhưng hiện tại giá thịt lợn vẫn đang ở mức cao, do chưa đảm bảo nguồn cung, chi phí cho các khâu trung gian còn cao. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng và địa phương tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tăng cường tái đàn, cân đối cung cầu để điều hành giá thịt lợn năm 2020 về mức 60.000 - 65.000 đồng/kg, vừa đảm bảo lợi ích tiêu dùng, lợi ích của doanh nghiệp và ổn định vĩ mô.
Trong thời gian này, cần nhập khẩu đủ thịt lợn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đảm bảo lợi ích của người chăn nuôi; quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý thịt lợn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng thịt lợn đông lạnh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội: Số lượng hơn 46.000 tấn thịt lợn nhập khẩu trong 3 tháng không nhiều so với nhu cầu hơn 3,8 triệu tấn thịt lợn/năm. Trong khi đó, tại các chợ dân sinh, chợ truyền thống tại Việt Nam thì hầu như không có tủ cấp đông, tủ làm mát và chỉ có siêu thị mới đủ điều kiện bảo quản, dự trữ, bán mặt hàng thịt lợn nhập khẩu... Nếu như phí thuế cao, thì thịt lợn nhập khẩu chưa thực sự hấp dẫn với doanh nghiệp Việt, mà giảm giá thì có thể dẫn tới bị thua lỗ, không có lãi. Vì vậy, có ít doanh nghiệp dám đầu tư mạnh vào thịt lợn nhập.