Chống hạn mặn, bảo vệ gần 30.000 ha đất canh tác vùng dự án ngọt hóa Gò Công

Ngay từ đầu mùa khô 2017, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt phòng chống hạn mặn, bảo vệ gần 30.000 ha đất canh tác nằm trong vùng ngọt hóa Gò Công, không để ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân ở những địa bàn khó khăn.

Vụ đông xuân 2016 - 2017, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cung ứng trên 300 tấn giống lúa chịu hạn hán, chịu mặn, phù hợp với điều kiện canh tác ở các huyện ven biển Gò Công.

Vùng ngọt hóa Gò Công bao gồm các huyện, thị nằm ven biển Gò Công (Tiền Giang): Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, thị xã Gò Công. Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang, ngay từ đầu vụ đông xuân 2016 - 2017, tỉnh bố trí lịch xuống giống phù hợp, triển khai tốt đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ ở những địa bàn có nguy cơ cao, không để tình trạng gieo sạ trễ khiến hạn mặn gây nhiều thiệt hại.

Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang (đơn vị quản lý vận hành các công trình thủy lợi trong dự án ngọt hóa Gò Công) thực hiện vận hành hệ thống cống đập lấy nước phục vụ sản xuất theo yêu cầu dùng nước đã được thông qua, tích cực lấy nước trữ trong các kênh mương toàn hệ thống.

Đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về việc tích trữ nước dùng, sử dụng nước tiết kiệm, không để ô nhiễm nguồn nước và môi sinh, môi trường.

Mặt khác, các ngành chức năng tăng cường công tác giải phóng chướng ngại vật lòng kênh, khai thông dòng chảy trên các tuyến kênh trục, kênh cấp 1; kết hợp với địa phương, phường xã huy động nhân lực ra quân làm thủy lợi nội đồng để chủ động đưa nước tưới tiêu đến từng chân ruộng, không để xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ.

Ngoài ra, trong tình huống khẩn cấp, tỉnh cũng có phương án lắp đặt 8 thuyền bơm dã chiến công suất 17.600 m3/giờ bơm bổ cấp kết hợp lấy nước ngọt khi có điều kiện từ sông Tiền vào bổ cấp cho nội đồng vùng dự án qua cống Xuân Hòa kết hợp với đắp đập, bơm chuyền hai cấp ứng cứu lúa Đông Xuân. Kinh phí dự kiến đắp đập, bơm chuyền và nạo vét các tuyến kênh nội đồng phòng chống hạn mặn cho toàn vùng dự án trên 39 tỉ đồng.


Đáng mừng là các biện pháp chủ động của địa phương đã mang lại hiệu quả cao. Qua theo dõi, đến nay, phần lớn diện tích lúa đông xuân 2016 - 2017 trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công đã đến giai đoạn trổ và chín, nhiều trà lúa đang bắt đầu vào thu hoạch trong khi mực nước trong nội đồng vẫn còn dồi dào.

Theo ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, hiện nay, các xã ven biển: Tân Thành, Tân Điền, Kiểng Phước… đã thu hoạch được hàng ngàn ha lúa đông xuân. Ước tính năng suất đạt từ 50 đến 60 tạ/ha, bà con rất phấn khởi trước tín hiệu lạc quan về một vụ đông xuân bội thu trong mùa khô hạn 2017.

Tin, ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Nâng cấp đê biển Gò Công, bảo vệ hàng chục ngàn ha đất canh tác
Nâng cấp đê biển Gò Công, bảo vệ hàng chục ngàn ha đất canh tác

Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, địa phương đang đầu tư gần 20 tỉ đồng gia cố, nâng cấp đoạn xung yếu của đê biển Gò Công đang bị sóng gió "tấn công", bảo vệ hàng chục ngàn ha đất canh tác vùng duyên hải của huyện Gò Công Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN