Đoạn đê xung yếu sạt lở nghiêm trọng dài trên 12 km thuộc các xã Tân Điền, Tân Thành (huyện Gò Công Đông).
|
Đoạn đê xung yếu dài trên 530 m, thuộc xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông. Đây là đoạn đê đang phải chịu trực tiếp ảnh hưởng của sóng gió biển, có nguy cơ cao bị vỡ nếu không được gia cố kịp thời.
Các hạng mục chính của công trình như: Kè chắn sóng, bảo vệ mái đê, ngăn chặn sóng gió gây xâm thực đe dọa con đê đang được đơn vị thi công khẩn trương thực hiện. Sau đó, đơn vị tiếp tục thực hiện cứng hóa mặt đê. Hiện nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, lực lượng thi công đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu hoàn thành đưa công trình vào sử dụng trước mùa mưa bão năm 2017.
Tuyến đê biển Gò Công dài trên 21.000 m có tác dụng ngăn mặn, giữ ngọt, phòng chống hạn mặn bảo vệ trên 28.000 ha đất canh tác các huyện vùng duyên hải tỉnh Tiền Giang như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Chợ Gạo.
Những năm qua, do biến đổi khí hậu, sóng gió gây sạt lở và mất dần rừng phòng hộ bảo vệ bên ngoài nên tuyến đê đang đứng trước nguy cơ sạt lở, vỡ đê, nhất là tại đoạn xung yếu dài trên 12 km thuộc các xã Tân Điền, Tân Thành (huyện Gò Công Đông).
Thời gian qua, để thích ứng biến đổi khí hậu, tỉnh Tiền Giang đã triển khai dự án thí điểm xây dựng kè mềm bên ngoài đê (phía biển) nhằm gây bồi, tạo bãi; từ đó, tiến tới trồng và phục hồi diện tích rừng phòng hộ nhằm mục tiêu bảo vệ vững chắc tuyến đê biển, giúp nhân dân an tâm ổn định sản xuất và đời sống trong bối cảnh hạn mặn và thời tiết diễn biến phức tạp.