Người dân phơi cá nguyên liệu ở thị trấn Vàm Láng. Ảnh: Nam Thái/TTXVN |
Nhờ lợi thế trên nên khai thác và đánh bắt hải sản được xem là ngành nghề truyền thống của địa phương, thu hút nhiều ngư dân lão luyện, giải quyết việc làm cho lao động lành nghề cũng như có sản lượng tôm cá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Văn Quí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, những địa phương có nghề truyền thống đánh bắt hải sản từ lâu đời, quy tụ nhiều ngư dân và phương tiện đánh bắt: Thị trấn Vàm Láng; các xã Kiểng Phước, Tân Thành, Tân Điền; thị trấn Tân Hòa…
Trong năm qua, huyện đạt sản lượng khai thác biển trên 44.000 tấn hải sản các loại. Các ngành khai thác, sơ chế, hậu cần nghề cá... tại huyện Gò Công Đông cũng thu hút hàng chục nghìn lao động.
Nghề khai thác biển cũng là nghề mang lại thu nhập khá cho những ngư dân lành nghề. Ông Huỳnh Văn Sạch, cư ngụ tại thị trấn Vàm Láng, sở hữu 3 tàu hành nghề cào xiêm, tổng công suất 270 CV cho biết, các phương tiện của ông gần như bám biển hành nghề quanh năm. Thời gian khai thác mỗi chuyến trên biển từ 25 đến 30 ngày, mỗi năm thực hiện từ 8 đến 10 chuyến biển, chỉ dành thời gian ít ỏi còn lại để người và phương tiện tạm nghỉ ngơi mà thôi.
Ông Sạch cho biết, với 3 phương tiện khai thác biển, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi từ 200 triệu đến 300 triệu đồng. Nhờ giữ nghề và bám biển, gia đình ông có cuộc sống ngày càng ổn định.
Huyện Gò Công Đông cũng đã xác định khai thác, đánh bắt hải sản không chỉ là thế mạnh kinh tế của huyện miền biển mà qua đó, còn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo. Theo ông Nguyễn Văn Quí, thời gian qua, địa phương thực hiện nhiều biện pháp nhằm phát huy tiềm năng kinh tế biển, tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân bám biển làm giàu. Đơn cử như giúp ngư dân tháo gỡ khó khăn về vốn để nâng cấp phương tiện đánh bắt; trang bị máy móc hiện đại chuyên về tầm ngư, định vị, thông tin liên lạc bảo đảm an toàn khi hành nghề trên biển.
Huyện cũng khuyến khích ngư dân hình thành các tổ, đội hợp tác khai thác nhằm nâng cao hiệu quả của nghề vừa tương trợ, giúp đỡ nhau những khi khó khăn, hoạn nạn, rủi ro, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trên biển. Đây cũng chính là một trong những định hướng quan trọng để gắn kết các tổ, đội đánh bắt với các phương tiện hậu cần nhằm giúp kéo dài thời gian từng chuyến đi biển, giảm chi phí và nâng hiệu quả đánh bắt. Hiện nay, toàn huyện đã hình thành được 26 tổ hợp tác khai thác biển, tập trung tại các xã: Kiểng Phước, Tân Tây, Tân Phước và thị trấn Vàm Láng, quy tụ 129 phương tiện, tổng công suất 51.600 CV với trên 1.000 lao động lành nghề.
Theo ông Võ Văn Xồi, Tổ trưởng Tổ khai thác hải sản Chí Tâm (xã Kiểng Phước, Gò Công Đông), tổ có 6 tổ viên, 7 phương tiện hành nghề cào xiêm, thu hút gần 50 lao động lành nghề. Trung bình mỗi năm, Tổ hợp tác Chí Tâm có doanh thu từ 15 đến 20 tỷ đồng, lãi từ 1 dến 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, từ khi tổ chức lại sản xuất dưới hình thức liên kết theo tổ, nhóm khai thác biển, ngư dân có điều kiện hỗ trợ nhau về ngư trường, kịp thời cùng khắc phục khó khăn trong quá trình đánh bắt. Đặc biệt là trao đổi những thông tin hữu ích về ngư trường, về thị trường, giá cả, kết nối thông tin về thời tiết, thủy văn nên chủ động trong khai thác.
Ông Nguyễn Văn Quí đánh giá, kinh nghiệm thực tế mà các tổ đội đánh bắt trên biển như Tổ hợp tác Chí Tâm, địa phương sẽ tiếp tục mở rộng hình thức hợp tác trên, phấn đấu đến năm 2020, 100% phương tiện đánh bắt liên kết sản xuất theo hình thức tổ, đội hợp tác.
Ông Lê Minh Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Tiền Giang cho biết, Liên đoàn lao động tỉnh đã xây dựng được 3 nghiệp đoàn nghề cá tại các địa bàn trọng điểm: Vàm Láng, Kiểng Phước, Tân Phước (Gò Công Đông). Liên đoàn lao động tỉnh Tiền Giang còn hỗ trợ kinh phí hoạt động cho 3 nghiệp đoàn với số tiền 150 triệu đồng đồng thời còn xây dựng, bàn giao, đưa vào sử dụng Trạm thu – phát sóng vô tuyến tại thị trấn Vàm Láng, Gò Công Đông, trị giá 250 triệu đồng giúp thông tin liên lạc giữa đất liền và các tàu đánh bắt trên biển thường xuyên, thông suốt và an toàn.
Ông Nguyễn Văn Quí cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, Gò Công Đông tiếp tục phát huy lợi thế nghề khai thác hải sản truyền thống, khuyến khích ngư dân đóng mới phương tiện công suất lớn với trang bị hiện đại đủ sức bám những ngư trường khơi xa, tăng sản lượng đánh bắt, xứng đáng là lá cờ đầu trong khai thác hải sản tỉnh Tiền Giang. Qua đó, giúp nhân dân miền biển ổn định đời sống tiến tới làm giàu bền vững, đồng thời góp phần khẳng định được chủ quyền biển đảo quê hương. Riêng trong năm 2017, huyện phấn đấu đạt sản lượng khai thác biển trên 45.000 tấn hải sản các loại.