Tiền Giang: Sạt lở ven biển Gò Công và Tân Phú Đông diễn biến phức tạp

Tình hình sạt lở do tác nhân xâm thực của gió và sóng biển tại vùng ven biển Gò Công và huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) đang diễn biến phức tạp, đe dọa đời sống và sản xuất của nhân dân.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang, trong vòng 10 năm qua (2006 – 2016), ven biển Gò Công đã mất trên 1.100 ha đất do sạt lở. 

Ngôi nhà kiên cố của hộ Nguyễn Văn Nghề (ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) bị sóng biển đánh sập vào năm trước, hiện phải cất tạm lại bằng vật liệu thô sơ. Ảnh: Minh Trí /TTXVN


Qua quan trắc, trung bình mỗi năm bờ biển Gò Công bị xâm thực mất từ 8-10 m, có đoạn mất đến 20 m2 đất trở lên mỗi năm. Tương tự, đối với huyện Tân Phú Đông gồm chuỗi cù lao nằm kẹp giữa hai vàm Cửa Tiểu và Cửa Đại trên sông Tiền tiếp giáp với Biển Đông cũng đang bị xâm thực, sạt lở nặng trên nhiều địa bàn, từ cồn Cống giáp Biển Đông đến bờ bắc cù lao Lợi Quan trên sông Cửa Tiểu (một nhánh Tiền Giang) và bờ nam cù lao Lợi Quan trên sông Cửa Đại (một nhánh Tiền Giang). 

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông, trong năm 2016, sạt lở bờ biển đã làm mất 211 ha đất, ảnh hưởng trực tiếp đến 26 hộ dân cùng các ao nuôi tôm và các cơ sở hạ tầng khác. Còn trên các tuyến sông đã bị sạt lở trên 152.000 m2 đất, ảnh hưởng trực tiếp đến 142 hộ dân tại địa phương. 

Ông Trần Văn Cẩn, cư ngụ tai Cồn Cống, Tân Phú Đông cho biết: Gia đình tôi có 7 ha đất canh tác, trong 10 năm qua sạt lở mất 5 ha, chiếm 2/3 tổng diện tích. Gia đình tôi may mắn còn được 2,5 ha canh tác, trong khi gia đình ông Tám Thuận ở giáp ranh đã bị sạt lở mất toàn bộ đất canh tác. Ông Tám Thuận hiện phải cất nhà ở nhờ trên phần đất của tôi và đi làm thuê, làm mướn kiếm sống hết sức vất vả. Ông Nguyễn Văn Nhỏ, có đất kề bên ông Tám Thuận cũng bị sạt lở mất toàn bộ 1,8 ha đầm tôm, giờ ở đậu nhà hàng xóm và làm thuê sinh sống. 

Theo ông Huỳnh Phước Hải - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang, do bờ biển Gò Công và Tân Phú Đông chạy theo hướng Bắc – Nam nên vào mùa gió Đông – Bắc (gió chướng) phải hứng chịu tác động trực tiếp của sóng gió to, thời gian kéo dài từ 4 đến 5 tháng trong năm. Mặt khác, bờ biển nơi đây còn bị chia cắt bởi các cửa sông lớn là Soài Rạp, cửa Tiểu và cửa Đại nên chế độ thủy văn phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy. Hàng năm, cao điểm vào khoảng các tháng 9-12, sóng biển trực tiếp đánh vào đất liền gây sạt lở nghiêm trọng đất đai, hoa màu, nhà cửa và cơ sở hạ tầng. Nhiều hộ phải di dời toàn bộ đi nơi khác. Có hộ tích cực gia cố, chống đỡ nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi sóng gió xâm thực. 

Trước tình hình trên, thời gian qua tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt khắc phục như: thực hiện các dự án trồng rừng phòng hộ ven biển Gò Công và Tân Phú Đông; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tỉnh cũng triển khai Dự án nâng cấp đê biển Gò Công do Trung ương hỗ trợ, Dự án gây bồi, tạo bãi và trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển, ngăn chận xâm thực gây sạt lở… nhằm khắc phục sạt lở, khôi phục và phát triển vành đai rừng phòng hộ, phòng chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đời sống nhân dân ven biển.
TTXVN (Tin Tức)
Đưa vào sử dụng bờ kè chống sạt lở sông Đồng Nai
Đưa vào sử dụng bờ kè chống sạt lở sông Đồng Nai

Ngày 28/12, UBND tỉnh Bình Dương khánh thành và đưa vào sử dụng bờ kè chống sạt lở sông Đồng Nai giai đoạn I trên địa bàn thị xã Tân Uyên từ cầu Rạch Tre đến trụ sở Thị uỷ Tân Uyên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN