Vắng bóng lãnh đạo quốc giaĐể xác định được chính biến xảy ra có phải là một cuộc đảo chính hay không, một động thái quan trọng là tìm kiếm tung tích lãnh đạo quốc gia.
Việc bắt giữ các nhà lãnh đạo đương nhiệm - mục tiêu chính của cuộc đảo chính luôn là một bước quan trọng. Nhà quan sát quân sự Jonathan Marcus tại BBC lấy ví dụ là cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng 7/2016 với việc những kẻ âm mưu đảo chính đã bất lực trong việc kiểm soát Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Những binh sỹ liên quan tới vụ đảo chính bị bắt tại Istanbul năm 2016. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các đại sứ quán nước ngoài thường có thể trở thành địa điểm tị nạn cho nhà lãnh đạo bị lật đổ hoặc đang gặp nguy hiểm. Đôi khi, nhà lãnh đạo đất nước xảy ra đảo chính sẽ xuất hiện tại một quốc gia khác. Năm 2009, binh sĩ đã phế truất Tổng thống Honduras Manuel Zelaya và buộc ông này lên một chiếc máy bay. Khi đến Costa Rica, ông Zelaya khẳng định mình bị bắt cóc.
Gần 3 tháng sau đó, ông Zelaya quay trở lại và trú ngụ ở đại sứ quán Brazil tại Honduras. Vào tháng 1/2010, ông Zelaya rời Honduras tới tị nạn tại Cộng hòa Dominicana.
Biểu tình đường phốLàn sóng biểu tình là diễn biến thường có trong các cuộc đảo chính.
Tại Ai Cập, Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ bởi cuộc biểu tình quy mô lớn nằm trong chuỗi sự kiện Mùa xuân Arập năm 2010-2011, vốn lan truyền qua cả Libya, Tunisia, Yemen và Syria.
BBC đánh giá điểm xoay chuyển diễn ra khi quân đội Ai Cập tuyên bố không sử dụng vũ lực chống lại đám đông biểu tình. Ông Mubarak rút lui và chính quyền quân sự đứng lên thay thế.
Trong cuộc đảo chính bất thành tháng 7/2016 tại Thổ Nhĩ Kỳ, người dân đã đổ ra đường phố thể hiện ủng hộ với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Khi những cây cầu qua eo biển Bosphorus tại Istanbul bị phong tỏa bởi lực lượng tiến hành đảo chính, nhiều người dân đã cùng sát cánh với binh sĩ ủng hộ ông Erdogan để phản đối.
Về phần Zimbabwe, trong những ngày biến động vừa qua đã không xuất hiện cuộc biểu tình nào, đường phố được cho khá yên tĩnh trong khi xe quân sự thực hiện các cuộc tuần tra tại thủ đô.
Các quốc gia khác cảnh báo công dânKhi xảy ra hỗn loạn tại nước sở tại, đại sứ quán của nhiều quốc gia khác sẽ có nghĩa vụ bảo vệ công dân đất nước họ do vậy thường công bố các chỉ dẫn.
Ở Zimbabwe, Đại sứ quán Mỹ tại Harare tuyên bố đóng cửa vào ngày 15/11. Trong khi đó, văn phòng Ngoại giao Anh khuyên công dân nước này hiện đang sinh sống tại Harare ở lại trong nhà cho đến khi tình hình trở nên rõ ràng.
Truyền thông nhà nước bị thâu tómTrình bày thông điệp là một vấn đề quan trọng, do vậy lực lượng đảo chính thường tìm cách kiểm soát các kênh truyền thông nhà nước hoặc tư nhân. Tại Zimbabwe, quân đội đã quản lý trụ sở đài truyền hình nhà nước ZBC vào ngày 15/11.
Binh sĩ tuần tra trên đường phố Harare, Zimbabwe ngày 15/11. Ảnh: THX/TTXVN |
Tuy nhiên, chiếm được sóng truyền thông chưa hẳn đã đảm bảo cho sự thành công. Năm 1997 tại Zambia, trong một ngày, vào 6 giờ sáng người đàn ông tự xưng là Đại úy Solo tuyên bố qua đài phát thanh nhà nước rằng ông đã tiếm quyền quản lý đất nước, lãnh đạo quân đội, cảnh sát đều bị cách chức đồng thời Tổng thống khi đó Frederick Chiluba đến 9 giờ phải đầu hàng bằng không sẽ bị tiêu diệt.
Tuy nhiên, đến 10 giờ sáng, Tổng thống Zambia Chiluba tuyên bố rằng 6 người đã bị bắt đồng thời ông gửi lời cảm ơn đến quân đội vì đã hoàn thành tốt công việc.
Biên giới, sân bay bị đóng cửa
Để áp đặt kiểm soát một quốc gia, thường có động thái đóng cửa biên giới, phong tỏa cầu đường và nhiều cơ sở hạ tầng khác liên quan tới lưu thông của người dân.
Trong tháng 9/2015, các cảnh vệ Tổng thống tiến hành đảo chính tại Burkina Faso đã ra lệnh chặn biên giới và không phận đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm.
Một trong những sự kiện nổi bật nhất liên quan đến tranh chấp quyền lực tại cảng hàng không xảy ra ở Pakistan năm 1999. Thủ tướng Pakistan khi đó Nawaz Sharif đã cố gắng tước quyền lực của Tướng quân đội Pervez Musharraf.
Khi đang trên đường trở về Karachi sau chuyến công du Sri Lanka, máy bay chở Tướng Musharraf đã gặp nhiều khó khăn để hạ cánh. Cơ quan kiểm soát không lưu từ chối cho chiếc máy bay chở Tướng Musharraf và gần 200 hành khách khác hạ cánh đồng thời ra lệnh phi công phải chuyển hướng máy bay đến Oman rồi Ấn Độ.
Nhưng Tướng Musharraf lại yêu cầu phi công bay vòng quanh Karachi, mặc dù khi đó máy bay đang cạn dần nhiên liệu. Chiếc phi cơ chỉ hạ cánh an toàn khi binh lính ủng hộ Tướng Musharraf bao vây trạm kiểm soát không lưu. Vài giờ sau đó Tướng Musharraf tuyên bố nắm quyền kiểm soát Pakistan.