Các học giả phương Tây lập luận rằng việc Phần Lan trở thành thành viên NATO vào tháng 4 vừa qua đã củng cố hơn nữa liên minh quân sự này của phương Tây, tạo điều kiện cho một khuôn khổ an ninh lớn hơn ở sườn phía Bắc. Dưới đây là đánh giá của Bipandeep Sharma, nhà phân tích tại Trung tâm An ninh Phi Truyền thống thuộc Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar (MP-IDSA) ở New Delhi (Ấn Độ) về những diễn biến an ninh và quân sự ở khu vực Bắc Âu sau khi Phần Lan gia nhập NATO trong thời gian gần đây trên trang web của Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga.
Kết thúc thời kỳ trung lập và an ninh hóa biên giới
Kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, Phần Lan duy trì tình trạng trung lập. Cho đến gần đây, nước này vẫn là một vùng đệm giữa NATO và Nga. Tình trạng này đã thay đổi mạnh mẽ sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Các phương tiện truyền thông phương Tây và các quan điểm bài Nga mạnh mẽ của họ đã thành công trong việc khiến người dân Phần Lan và giới tinh hoa chính trị của nước này thực sự tin rằng họ đang bị một mối đe dọa nào đó từ cuộc xung đột.
Bằng cách tạo ra và nhấn mạnh mối đe dọa giả định từ Nga, phương Tây đã thành công trong chương trình nghị sự địa chính trị lớn hơn của riêng mình trong khu vực. Ngân sách gia tăng tổng thể của NATO từ các thành viên hiện tại, vốn không có khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính hàng năm của họ đối với liên minh, đã liên tục gây căng thẳng cho ngân sách đóng góp của Mỹ. Để giảm thiểu tác động này, lựa chọn hiển nhiên khác của phương Tây là tăng cường và mở rộng số lượng thành viên của liên minh. Việc Phần Lan gia nhập (và tiếp theo có thể là Thụy Điển) là một số cách tiếp cận cụ thể của phương Tây theo hướng này và đã đạt được thành công.
Theo ước tính, một thành viên NATO chi một khoản tiền hàng năm khoảng 70–100 triệu euro cho tư cách thành viên và gia nhập các cơ quan chính trị và cơ cấu chỉ huy của liên minh. Ngoài ra, Phần Lan còn phải trả một khoản chi phí đáng kể để gia nhập Quy trình lập kế hoạch phòng thủ của NATO và tham gia vào các chiến dịch cũng như hoạt động của NATO. Phần Lan là thành viên của NATO sẽ phải cam kết dành ít nhất 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng hàng năm.
Năm 2023, chi tiêu quốc phòng của Phần Lan dự kiến vào khoảng 2,38% GDP. Nước này cũng cam kết chi tiêu quốc phòng đạt khoảng 2% trong các năm 2024 và 2025 và đặt mục tiêu chủ yếu là tập trung tài trợ cho các dự án hải quân và không quân chiến lược của mình. Về mặt địa chính trị, toàn bộ quyết định này của Phần Lan đã thay đổi hoàn toàn quan điểm trung lập quân sự của họ trong khu vực và nước này bắt đầu hoạch định các kế hoạch quốc phòng theo những đường hướng chiến lược và triển vọng an ninh của NATO.
Trong khi đó, Phần Lan và Nga có chung 1.340 km biên giới đất liền. Cả Phần Lan và Nga đều duy trì sự tôn trọng lẫn nhau đối với đường biên giới chung và từng có một mức độ hợp tác, sự tin cậy đáng kể giữa hai bên. Nhưng việc Phần Lan gia nhập NATO đã dẫn đến việc bổ sung 1.340 km đường biên giới giữa Nga và NATO.
Trong những năm tới, cả hai quốc gia chắc chắn sẽ tiếp tục chứng kiến sự suy giảm lòng tin hiện có và hạn chế hợp tác biên giới song phương. Điều này thậm chí còn trở nên rõ ràng trong cách tiếp cận mới của Phần Lan đối với việc quản lý biên giới. Phần Lan, dưới quan niệm nhận thức về mối đe dọa quân sự từ Nga, đã bắt đầu xây dựng hàng rào dọc biên giới Nga - Phần Lan. Biên giới Nga - Phần Lan vốn khá yên bình kể từ Thế chiến II đang trên đà quân sự hóa nhanh chóng và an ninh hóa nhiều hơn.
Xu hướng quân sự hóa gia tăng
Việc Phần Lan gia nhập NATO đã làm thay đổi mạnh mẽ các tính toán chiến lược của các biên liên quan ở phía Bắc. Đặc biệt, điều này đã thách thức tính toán răn đe chiến lược của Nga với việc giảm khoảng cách địa lý giữa thành phần quân sự của NATO và Nga. Việc xây dựng các căn cứ quân sự của NATO và triển khai bất kỳ loại vũ khí chiến lược nào ở Phần Lan (đặc biệt là dọc biên giới Phần Lan - Nga) sẽ bị Moskva coi là một mối đe dọa chiến lược.
Với vị trí địa lý gần với các thành phố quan trọng của Nga như St. Petersburg và các căn cứ chiến lược như Bán đảo Kola từ Phần Lan, Nga sẽ phải phát triển các năng lực đối phó hiệu quả và đáng tin cậy cho bất kỳ kịch bản bất lợi nào. Hơn nữa, việc Phần Lan mua 64 chiếc F-35 từ Mỹ vào năm 2026 để triển khai ở Rovaniemi nhằm tăng cường khả năng phản ứng nhanh (QRA) của NATO sẽ giảm thời gian phản ứng của Nga đối với các máy bay chiến đấu cất cánh từ Bán đảo Kola và các căn cứ chiến lược khác.
Theo ước tính gần đây, Phần Lan hiện được trang bị khoảng 650 xe tăng (bao gồm 200 xe tăng Leopard loại 2A6 và 2A4 do Đức sản xuất), khoảng 700 khẩu pháo và đại bác, 700 súng cối và khoảng 100 bệ phóng tên lửa hạng nặng và hạng nhẹ. Kho vũ khí dự trữ của Phần Lan còn bao gồm 650 tên lửa phòng không (cũng đang trong quá trình mua thêm từ Saab Dynamics và Rafael Advanced Defense Systems của Thụy Điển), radar giám sát với tầm bao phủ gần 500 km, một số lượng không được tiết lộ của máy bay không người lái Orbiter không vũ trang (và đang trong quá trình mua thêm 1.000-2.000 chiếc, bao gồm hàng trăm máy bay không người lái Parrot Anafi USA) và hệ thống radar phản pháo ELTA do Israel sản xuất. Phần Lan cũng đang trong giai đoạn cuối cùng đấu thầu các hệ thống phòng không tầm cao mới từ Israel.
Trang thiết bị hải quân của Phần Lan bao gồm 4 tàu chỉ huy, 5 tàu rải mìn, 8 tàu khu trục tên lửa, 3 tàu xử lý mìn, 13 tàu quét mìn và một tàu đổ bộ nhỏ. Nước này đang trong quá trình mua ba tàu hộ tống đa năng mới để tác chiến trên mặt nước, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2029. Phần Lan hàng năm huấn luyện khoảng 21.000 lính nghĩa vụ và lực lượng dự bị thời chiến của nước này là 280.000 binh sĩ. Khoảng 870.000 người Phần Lan trong độ tuổi từ 17 đến 60 có thể sẵn sàng được huy động trong trường hợp khẩn cấp.
Tất cả những điều này mặc dù đã bổ sung đáng kể vào khả năng quân sự ngày càng tăng của NATO và Phần Lan, nhưng nó sẽ đồng thời kích hoạt phản ứng đáp trả của Nga trên toàn tuyến phía Bắc. Để đối trọng với NATO thông qua sức mạnh quân sự cả về số lượng và chiến lược, Nga sẽ buộc phải tăng cường cơ sở hạ tầng quân sự và tái định hình các kế hoạch chiến lược trong khu vực.
Việc quân sự hóa này sẽ không chỉ giới hạn ở một khu vực hoặc vùng cụ thể, mà do khả năng địa chính trị và chiến lược của Nga ở Bắc Cực, toàn bộ khu vực sẽ chứng kiến sự tăng cường năng lực quốc phòng. Quy mô và cường độ tập trận chung của NATO ở Phần Lan sau khi gia nhập liên minh, sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng bất an trong khu vực.
Các lập luận của phương Tây biện minh cho việc Phần Lan gia nhập NATO như một yếu tố củng cố vị trí chiến lược của liên minh ở Bắc Cực, nhưng thiếu tính hợp lý liên quan đến sự bất ổn địa chính trị mà quyết định này có thể mang lại cho khu vực trong thời gian tới. Ngay cả một tính toán sai lầm chiến lược nhỏ của mỗi bên cũng có thể dẫn đến bế tắc quân sự hoặc đối đầu trực tiếp. Một kịch bản như vậy có thể làm leo thang căng thẳng Đông - Tây ở Bắc Cực và còn làm phức tạp thêm tình hình an ninh tổng thể của châu Âu.
Hợp tác ở Bắc Cực bị đình chỉ và quan hệ căng thẳng
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, mọi hình thức hợp tác với Nga ở Bắc Cực gần như bị đình chỉ hoàn toàn. 7 trong số 8 quốc gia Bắc Cực trong Hội đồng Bắc Cực đã hủy bỏ mọi hình thức hợp tác với Nga, ngay cả trong các vấn đề phi quân sự. Na Uy, quốc gia đã tiếp nhận vai trò Chủ tịch hội đồng luân phiên Bắc Cực mới từ Nga, đã vạch ra các ưu tiên của mình cho nhiệm kỳ chủ tịch nhưng không đưa ra bất kỳ đề cập nào đến Nga.
Các quan chức cấp cao ở Bắc Cực của Nga vẫn hy vọng hồi sinh một số cấp độ hợp tác làm việc trong Hội đồng Bắc Cực, nhưng đồng thời cho rằng mức độ tin cậy từng tồn tại trước đó trong hội đồng đã biến mất. Phát biểu trực tuyến về lễ chuyển giao quyền Chủ tịch luân phiên cho Na Uy, Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Sergey Lavrov, cho biết: “Hoạt động hiệu quả hơn nữa và tương lai của toàn thể Hội đồng Bắc Cực sẽ phụ thuộc vào việc liệu chúng ta có thể cùng nhau tìm kiếm cơ hội tiếp tục đối thoại văn minh để duy trì Bắc Cực như một khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác mang tính xây dựng hay không”.
Tóm lại, khu vực Bắc Cực đã chứng kiến mức độ hợp tác đáng kể giữa các siêu cường truyền thống trong quá khứ. Nhưng sau cuộc khủng hoảng Ukraine, khu vực này đã chuyển dịch theo hướng quân sự hóa mạnh mẽ. Việc đình chỉ mọi hình thức hợp tác với Nga, và việc Phần Lan gia nhập NATO đã làm leo thang hơn nữa quá trình quân sự hóa ở khu vực phía Bắc. Do đó, những thách thức hiện hữu thực sự từ biến đổi khí hậu, an ninh con người và bối cảnh kinh tế xã hội đã và đang bị lu mờ bởi sự cạnh tranh địa chính trị đang nổi lên trong khu vực.