Theo mạng tin châu Âu Euractiv.com ngày 5/6, Phần Lan và Mỹ đã ký Tuyên bố chung về hợp tác trong truyền thông không dây tiên tiến tại Helsinki, được coi là phản ứng đối với công nghệ Trung Quốc.
Sau lễ ký kết, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken tuyên bố rằng việc triển khai 6G sẽ minh bạch hơn.
“Cùng với các đồng minh và đối tác, Mỹ sẽ huy động hàng trăm tỷ USD để tài trợ cho cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở những quốc gia cần nhất”, ông Blinken nói, lưu ý rằng dự án này sẽ được xây dựng "theo cách minh bạch".
Tuyên bố chính thức cho biết, hợp tác giữa Phần Lan và Mỹ trong nghiên cứu khoa học, tiêu chuẩn hóa và phát triển công nghệ nhằm mục đích “tạo ra một cách tiếp cận toàn cầu chung, hướng tới công nghệ bền vững, cạnh tranh, an toàn, đáng tin cậy và công nghệ 6G trung lập với nhà cung cấp”.
Phát biểu với giới truyền thông, ông Haavisto không ngại đề cập đến Trung Quốc, vốn bị bỏ qua trong tuyên bố, lưu ý rằng: “Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng của cả Mỹ và Phần Lan, nhưng đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, chúng tôi đã chứng kiến những sự phụ thuộc tiêu cực vào Trung Quốc”.
Nhận định về sự hợp tác trên, Risto EJ Penttilä, Giám đốc điều hành của Nordic West Office, một tổ chức tư vấn về các vấn đề toàn cầu, cho rằng mạng này có tác động toàn cầu sâu rộng.
“6G vừa là một phần trong chiến lược toàn cầu của NATO vừa là tầm nhìn của tổ chức này về tương lai. Theo đó, phương Tây phải sở hữu công nghệ đáng tin cậy, trong đó có mạng 6G” ông Penttilä nói, nhấn mạnh rằng công nghệ như vậy “có thể được cung cấp bởi người Phần Lan và người Thụy Điển, nghĩa là không cần phải dựa vào công nghệ Trung Quốc".
“Đây là một phần của cuộc cạnh tranh toàn cầu lớn giữa Trung Quốc và Mỹ, trong đó Phần Lan và Thụy Điển sẽ đóng một vai trò quan trọng”, ông Penttilä nhận định.