Anh sẽ cung cấp pháo, trực thăng tấn công cho Estonia theo hướng 'phòng thủ trước'

Cuộc gặp thượng đỉnh NATO vào tháng 6 đã dẫn đến một loạt các hoạt động trên khắp Đông Âu nhằm mục đích chung là thay đổi vị thế của lục địa theo hướng “phòng thủ trước”.

Chú thích ảnh
Các binh sĩ tham gia cuộc tập trận quy mô lớn Bão Mùa xuân vào ngày 27/5/2021, tại Tapa, Estonia. Ảnh: AFP/Getty Images

Theo trang Defensenews, các quan chức Anh và Estonia đã vạch ra một lộ trình tăng cường quan hệ quân sự giữa hai nước, với trọng tâm là đẩy mạnh trang bị cho lực lượng còn lại của Anh ở quốc gia vùng Baltic vũ khí phòng không tầm ngắn và hệ thống tên lửa phóng loạt.

Theo công bố của chính phủ hai nước vào ngày 8/11, thỏa thuận đã được Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace và người đồng cấp Estonia Hanno Pevkur ký tại London nhằm thực hiện các kế hoạch của NATO trước đó được phê duyệt tại Madrid, Tây Ban Nha hồi mùa hè nhằm củng cố mặt trận phía Đông của liên minh.

Cũng theo thỏa thuận, Anh cam kết sẽ luân chuyển “các khả năng và thiết bị hỗ trợ bổ sung”, bao gồm cả trực thăng tấn công và chở hàng, tới Estonia trong năm 2023.

“Vào tháng 1, máy bay trực thăng Chinook sẽ đến Estonia, vào tháng 3 sẽ là máy bay trực thăng Apache, tháng 4 máy bay chiến đấu Typhoon, và vào tháng 5, một nhóm tác chiến bổ sung sẽ được triển khai tới Estonia để tham gia cuộc tập trận quy mô lớn Spring Storm”, ông Pevkur cho biết trong một tuyên bố về thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Estonia.

“Vương quốc Anh sẽ duy trì hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS), được đưa đến Estonia vào mùa hè năm 2022 để củng cố nhóm chiến đấu đồng minh, và hệ thống phòng không tầm ngắn Stormer”, ông Pevkur nói thêm.

Với Estonia, Anh là quốc gia đầu tàu trong kế hoạch tăng cường hiện diện của NATO ở nước này. Họ đã phải chứng kiến một nhóm chiến đấu bao gồm khoảng 900 binh sĩ Anh rời Estonia trong vòng 6 tháng qua. Lực lượng Đan Mạch và Pháp cũng là một phần trong cơ cấu lực lượng đồng minh cùng với quân đội nước chủ nhà.

Anh đã cử nhóm chiến đấu thứ hai đến quốc gia Baltic vào tháng 2/2022 khi xung đột bắt đầu bùng phát ở Ukraine. Nhóm tác chiến thứ hai, được các quan chức quốc phòng Anh mô tả là một đợt triển khai tạm thời, sẽ trở về nhà vào tháng 12 tới.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine ở Vùng Kherson nạp rocket vào một bệ phóng cải tiến. Ảnh: The New York Times

Một báo cáo trên tờ The Times vào cuối tháng 9 mô tả kế hoạch ban đầu của London về giảm lượng nhân sự ở Estonia. Khi đó, chính phủ ở Tallinn hy vọng duy trì được thường trực lực lượng tương đương của hai nhóm chiến đấu Anh tại nước này.

Theo tuyên bố chung, sự kết hợp giữa loại bỏ một nhóm chiến đấu và tăng cường cho nhóm còn lại bằng vũ khí cấp sư đoàn sẽ giúp "tăng cường hiệu quả" của các binh sĩ Anh ở lại Estonia.

“Cam kết của Anh đối với Estonia và quốc phòng - an ninh của châu Âu là không thay đổi”, Bộ trưởng Wallace nói. “Việc triển khai các tài sản như trực thăng Apache và Chinook để tập trận ở Estonia là một ví dụ rõ ràng về sức mạnh mối quan hệ giữa chúng ta và tầm quan trọng của việc chúng ta hoạt động hiệu quả sát cánh với nhau”.

Theo lộ trình song phương mới, Estonia sẽ xây dựng thêm cơ sở hạ tầng nhà ở cho quân đội nước ngoài tại Căn cứ quân đội Tapa vào tháng 5/2023 và hoàn thành việc xây dựng vào năm tới của một trung tâm mới để quản lý việc tiếp nhận các lực lượng đồng minh.

Quốc gia này cũng sẽ triển khai trong năm 2023 để thiết lập và xin chứng nhận cho một sở chỉ huy sư đoàn có khả năng chỉ huy tất cả các lực lượng đồng minh ở Estonia – dựa trên thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh Madrid.

Cuộc gặp thượng đỉnh của NATO vào tháng 6 đã dẫn đến một loạt các hoạt động trên khắp Đông Âu nhằm mục đích chung là thay đổi vị thế của lục địa này theo hướng mà các quan chức NATO gọi là “phòng thủ trước”. Khái niệm này bao gồm việc dập tắt một cuộc xâm lược giả định của Nga nhằm vào một thành viên NATO ở biên giới, thay vì chấp nhận quân đội của Moskva tiến vào trong vài ngày trước khi lực lượng tiếp viện của đồng minh đổ tới để đẩy họ ra ngoài.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Defensenews)
Nga dựng hàng rào ‘răng rồng’ làm chậm bước tiến của các lực lượng Ukraine
Nga dựng hàng rào ‘răng rồng’ làm chậm bước tiến của các lực lượng Ukraine

Bộ Quốc phòng Anh cho biết binh sĩ Nga đang xây dựng lượng lớn rào chắn bê tông để cản trở các xe quân sự tại những khu vực chiến lược. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN