Nội dung này được nhóm phóng viên TTXVN phản ánh qua hai bài viết chủ đề: Du lịch sinh thái cộng đồng gắn kết với sản phẩm OCOP - nhìn từ Cà Mau, vùng đất cực Nam Tổ quốc.
Bài 1: Hướng đi nhiều triển vọng
Loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, trong những năm gần đây Cà Mau đã trở thành điểm đến mang lại nhiều cảm xúc cho du khách bởi phong cảnh hữu tình, trải nghiệm thú vị cùng sự hội tụ của những đặc sản mang đậm bản sắc văn hóa. Trong đó, nhiều sản phẩm đã được "gắn sao" của chương trình OCOP và hơn thế, đã thực sự "gắn sao" trong lòng du khách - người tiêu dùng.
Thế mạnh nổi trội
Từ vị trí địa lý đặc thù, có tới 3 mặt giáp biển, có hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt, có khu dự trữ sinh quyển, khu Ramsar (vùng đất ngập nước) thế giới cùng những nét văn hóa của người dân vùng đồng bằng châu thổ, Cà Mau xác định một trong những thế mạnh đối với hoạt động du lịch của tỉnh là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng, Cà Mau có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP. Đặc trưng về địa lý, nguồn tài nguyên từ rừng, biển với vùng đất bồi hàng năm lấn theo ra biển từ 80-100 m, chiều dài bờ biển 254 km, khu rừng tràm, rừng đước mang đậm nét đặc trưng của đất rừng phương Nam, nhiều loài thủy sản, nhiều loài thực vật được hình thành từ các hệ sinh thái là ưu thế để tỉnh hình thành, phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có 23 điểm du lịch cộng đồng, trong đó các điểm du lịch tập trung vào khai thác các sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm, gắn với các tuyến du lịch chính như: du lịch xuyên rừng Mũi Cà Mau, khám phá rừng đước, bãi bồi lấn biển, khám phá Vườn Quốc gia U Minh Hạ, nơi có hệ sinh thái rừng tràm trên lớp than bùn, đến tham quan Di tích lịch sử văn hóa Hòn Đá Bạc hay trải nghiệm du lịch sinh thái trên tuyến sông Trẹm, các di tích lịch sử văn hóa, các làng nghề trải rộng...
Tại các điểm du lịch, việc tìm hiểu cách thức cách sản xuất, chế biến, thưởng thức các sản vật, đặc sản của những người dân vùng cực Nam trên đất liền Tổ quốc cũng góp phần tạo nên sự đa dạng trong hoạt động trải nghiệm cho du khách. Cà Mau có các nghề truyền thống muối ba khía, gác kèo ong được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Cũng chính từ những nghề truyền thống đó đã hình thành rất nhiều sản vật, đặc sản được công nhận là sản phẩm OCOP, là niềm tự hào của người dân Cà Mau giới thiệu đến du khách như sản phẩm ba khía muối, mật ong rừng, khô cá bổi, khô cá kèo, các loại phồng tôm, tôm khô, cua sinh thái, gạo sinh thái, dưa bồn bồn hay các sản phẩm từ trái nhàu, trái giác, từ cây đước, cây tràm...
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau thông tin, sau 3 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đã góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đến nay Cà Mau có 77 sản phẩm của 44 chủ thể được công nhận là sản phẩm OCOP. Về số lượng sản phẩm OCOP, hiện Cà Mau xếp thứ 27/63 tỉnh, thành trong cả nước và xếp thứ 4/13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Toàn tỉnh cũng đã xây dựng nhiều điểm dừng chân, 12 điểm giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, quà lưu niệm, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm và mua sắm đặc sản của du khách khi đến Cà Mau.
Kết nối chuỗi giá trị
Đề cập về chuỗi giá trị, sự gắn kết giữa OCOP và du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các địa phương, đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho rằng, đây là hướng phát triển rất phù hợp nhằm phát huy lợi thế, nét văn hóa đặc sắc từ mỗi địa phương. Việc kết nối làm tăng sức hút cho các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, kéo dài thời gian trải nghiệm, gia tăng mức chi tiêu, mua sắm của du khách; thông qua hoạt động du lịch sẽ tăng sức lan tỏa, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP. Tức du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng muốn phát triển hiệu quả cần phải có những sản phẩm đặc trưng. Trong khi đó, chương trình OCOP muốn phát triển, ngày càng vươn xa, tạo sự lan tỏa, quảng bá sâu rộng đến người tiêu dùng rất cần phải gắn kết với hoạt động du lịch. Đây chính là mối liên kết tạo chuỗi giá trị khó có thể trách rời.
Nhìn từ tỉnh Cà Mau, với loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du khách được hòa mình vào đời sống của người dân vùng Đất Mũi hay vùng rừng U Minh, các làng nghề truyền thống, tìm hiểu về các công đoạn để làm nên một sản phẩm OCOP cụ thể. Chính sự kết nối này đang từng bước tạo nên chuỗi giá trị, vừa tăng sức hút cho điểm đến du lịch vừa giúp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương, góp phần gia tăng thu nhập cho người làm dịch vụ du lịch cũng như chủ thể sản phẩm OCOP.
Ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển là nơi tập trung nhiều điểm du lịch sinh thái cộng đồng gắn với vùng rừng ngập mặn Mũi Cà Mau. Các điểm du lịch sinh thái cộng đồng ở đây như Tư Nhuần, Quách Văn Ngãi, Hoàng Hôn, Dân 3 khía… đều có điểm nhấn là tổ chức các tour tham quan xuyên rừng ngập mặn, lắng nghe hơi thở của rừng trong đêm Đất Mũi thanh bình, hướng dẫn du khách tham gia các hoạt động xổ vuông (thu hoạch tôm), đặt lú, đặt lợp bắt tôm cua, soi bắt ba khía, ốc len hay đón ánh bình minh tinh khôi trên bãi bồi, tận hưởng không khí trong lành của rừng đước phương Nam khi ngày mới bắt đầu. Cũng tại các điểm du lịch sinh thái cộng đồng, du khách được người dân Đất Mũi giới thiệu, hướng dẫn cách chế biến, thưởng thức hay cách chọn mua nhiều những sản phẩm đặc sản đã được "gắn sao" OCOP bắt nguồn từ hoạt động nuôi trồng, khai thác của những người nông dân như các loại đặc sản khô cá, bánh phồng tôm, bánh phồng sò huyết, tôm khô, mật ong rừng, đôi đũa đước, rượu trái giác, nước cốt trái nhàu… Qua đó, du khách hiểu thêm về nét văn hóa, cảm nhận rõ hơn giá trị của từng sản vật, đặc sản từ mỗi vùng quê.
Đề cập về công tác phát triển sản phẩm du lịch, ông Lê Tùng Cường, Phó trưởng Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau cho biết: Trong hơn 5 tháng đầu năm, lượng du khách đến tham quan tại Khu du lịch, trong đó có các điểm du lịch sinh thái cộng đồng ở xã Đất Mũi đạt gần 120.000 lượt. Để tạo thuận lợi cho các hộ phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, đơn vị đã hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân hoàn thiện, giới thiệu đến du khách ý nghĩa, nét văn hóa thể hiện qua các sản vật độc đáo, trong đó có các sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP nhằm tăng thêm sức hấp dẫn thu hút du khách đến với vùng Đất Mũi, đồng thời giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Ông Tô Văn Cường, chủ điểm du lịch sinh thái cộng đồng có tên "Dân 3 khía" chia sẻ, du khách đến điểm du lịch có thể nghỉ lại đêm đi soi ba khía, sáng sớm đi đón bình minh, tham quan Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Tại điểm du lịch có giới thiệu, bày bán một số sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau. Sản phẩm có gắn sao, có hướng dẫn sử dụng, thông tin giá trị của sản phẩm nổi bật với những nét đặc biệt khi được sản xuất, nuôi trồng từ vùng đất này nên du khách rất tin tưởng chọn mua.
Chị Tạ Thị Hiền, giáo viên ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, vừa có chuyến tham quan đến Mũi Cà Mau cho biết: Từ đất Tổ Hùng Vương đi du lịch Cà Mau, đến Cột mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001, tham quan biểu tượng con tàu Mũi Cà Mau, Đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ tại Đất Mũi, chị rất xúc động. Đến điểm du lịch cộng đồng ở xã Đất Mũi, chị được nghỉ đêm trong rừng đước, trò chuyện với người dân, nghe họ kể về cách nuôi tôm sinh thái trong rừng đước, về cách chế biến đặc sản nổi tiếng của Cà Mau như khô cá bổi, dưa bồn bồn, nhìn sản phẩm được đóng gói với bao bì bắt mắt, thông tin rõ ràng, chị rất yên tâm mua về sử dụng và làm quà cho người thân.
Bài cuối: Bước phát triển mới