Không phát triển dàn trải, chọn mô hình điểm nhấn, mỗi địa phương ở tỉnh Cà Mau trên cơ sở điều kiện, thế mạnh đặc thù đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp cụ thể, góp phần phát triển đa dạng hóa các sản phẩm OCOP của địa phương, đồng thời tạo sức sống mới cho du lịch vùng đất địa đầu phía Nam đất nước.
Xây dựng Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi
Nhằm phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng - một nhóm sản phẩm thuộc chương trình OCOP, tạo thuận lợi cho các hoạt động lao động sản xuất, các sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc trong một không gian tự nhiên, linh hoạt mà chính những người dân bản địa là chủ thể sáng tạo, UBND tỉnh Cà Mau vừa phê duyệt Đề án phát triển Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi, giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Làng Văn hóa Du lịch này được định hướng xây dựng, phát triển trở thành một sản phẩm OCOP tiêu biểu, được xếp hạng 4 đến 5 sao của tỉnh Cà Mau trong thời gian tới.
Theo đó, Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi là nơi tập trung nhiều hộ gia đình làm du lịch sinh thái, cũng là nơi diễn ra chân thực đời sống sinh hoạt với những phong tục, tập quán, nét văn hóa của người dân địa phương. Làng được bao quanh bởi hệ sinh thái rừng ngập mặn, thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau – khu dự trữ dự sinh quyển thế giới. Trên cơ sở đề án, huyện Ngọc Hiển, xã Đất Mũi với sự phối hợp của các đơn vị chức năng sẽ triển khai nhiều giải pháp quy hoạch, khai thác, phát triển mạnh một số ngành nghề nông thôn tiêu biểu gắn với phát triển du lịch sinh thái mang nét riêng của cư dân vùng Đất Mũi. Người dân sẽ tổ chức các sinh hoạt văn hóa sinh động và chân thực; du khách đến tham quan làng sẽ được chứng kiến, hòa mình vào những hoạt động lao động sản xuất thực thụ.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng cho biết: Đề án được triển khai nhằm thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển sản phẩm OCOP ở địa phương gắn với phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, từ đó đóng góp tích cực vào thương hiệu du lịch Cà Mau. Làng sẽ được hoàn thiện nhiều cảnh quan, cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển du lịch trên cơ sở khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên du lịch của địa phương nhưng vẫn bảo đảm yếu tố bảo vệ môi trường, sự đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Tại Làng Văn hóa Du lịch cũng có khu nghề truyền thống, có thêm những không gian trải nghiệm ấn tượng hơn cho du khách.
Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi Lâm Quốc Trạch thông tin: Mô hình Làng Văn hóa Du lịch được triển khai, người dân Đất Mũi rất phấn khởi, tin tưởng mô hình này sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế trên cơ sở phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ du lịch. UBND xã Đất Mũi sẽ tiếp tục khuyến khích, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển thêm một số điểm du lịch sinh thái cộng đồng, trạm dừng chân gắn với giới thiệu các sản phẩm đặc sản, lưu niệm tại địa phương. Xã cũng từng bước hoàn thiện các chuỗi làm nghề truyền thống, hình thành các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch như làng nghề làm cá khô, làng nghề làm tôm khô, làm mắm… Huyện Ngọc Hiển, xã Đất Mũi cùng với các ngành liên quan triển khai phương án tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan, nâng cấp đầu tư xây dựng một số hạng mục như đường giao thông nông thôn, cầu qua sông, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân và du khách trong phạm vi Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi.
Huyện Ngọc Hiển, xã Đất Mũi cũng phối hợp với Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và các ngành, đơn vị liên quan phát triển các tuyến du lịch xuyên rừng thuộc lâm phần Vườn Quốc gia như tuyến khám phá Giếng trời - rừng nguyên sinh, tuyến từ Đất Mũi đi cồn Ông Trang - Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và tuyến từ chợ Đất Mũi - Vàm Xoáy - Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, giúp du khách có nhiều cơ hội khám phá hơn về rừng ngập mặn, về đời sống của người dân Đất Mũi. Địa phương và các đơn vị liên quan cũng từng bước hình thành, phát triển mô hình câu cá ở khu vực cửa sông, cửa biển, ngoài khơi; khảo sát chọn vị trí quy hoạch điểm du lịch chợ đêm trên địa bàn xã Đất Mũi nhằm phục vụ nhu cầu giải trí, mua sắm của du khách.
Ưu tiên một số nhóm giải pháp
Quan tâm việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với kết nối các sản phẩm OCOP để vừa tạo sự đa dạng cho sản phẩm du lịch vừa khai thác hiệu quả hơn các giá trị văn hóa kết tinh, thể hiện qua từng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, đại diện nhiều đơn vị, địa phương ở tỉnh Cà Mau đều thống nhất cần tiếp tục có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư cũng như từng chủ thể OCOP hay người làm du lịch, dịch vụ. Trong đó, trong đó cần ưu tiên thực hiện một số giải pháp mang tính quyết định.
Theo ông Phan Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, tiếp tục nâng cao nhận thức trong cộng đồng tại các địa phương để họ hiểu hơn về sự cần thiết, những tác động tích cực, hiệu quả lâu dài của việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với chương trình OCOP. Từ đó tích cực hoàn thiện sản phẩm, ngày càng có nhiều sản phẩm đặc sản được công nhận là sản phẩm OCOP, có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường.
Từ phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với chương trình OCOP, tỉnh Cà Mau đẩy mạnh việc phát triển các làng nghề truyền thống như nghề dệt chiếu, gác kèo ong, ép chuối khô, chế biến các loại cá khô, tôm khô gắn với các tour du lịch cộng đồng theo chuyên đề, tăng cường gắn kết hơn nữa giữa doanh nghiệp làm du lịch và các chủ thể OCOP của địa phương để đưa du khách đến tìm hiểu các quy trình sản xuất, sản phẩm đã được gắn sao OCOP, chia sẻ hài hòa lợi ích, tạo sự phát triển bền vững.
Còn ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết: Bên cạnh việc khuyến khích phát triển các điểm du lịch sinh thái cộng đồng, đơn vị tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương hỗ trợ các hộ làm du lịch cộng đồng tại các huyện như Ngọc Hiển, Năm Căn, Trần Văn Thời, U Minh…, phát triển và quảng bá mạnh hơn các sản phẩm dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn, trải nghiệm đời sống cùng người dân địa phương trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của từng vùng, từng nghề truyền thống.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tăng cường hướng dẫn người làm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đầu tư khâu thuyết minh, giới thiệu đến du khách đậm nét, sinh động hơn về các giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương được ẩn chứa trong từng sản phẩm OCOP; tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động quảng bá, tôn vinh các sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch, điểm dừng chân, tạo sự lan tỏa và khắc sâu ấn tượng trong du khách về điểm đến Cà Mau với những sản vật, đặc sản và những trải nghiệm khó quên.