Ông Triệu Thế Hùng đánh giá, mặc dù là huyện xuất phát điểm có nhiều khó khăn, nhưng Thanh Hà đã luôn đổi mới, sáng tạo, vận dụng có hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, đã phát huy tối đa mọi nguồn lực, khai thác tốt các giá trị riêng có để thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đề nghị Thanh Hà cần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững; tập trung khai thác tối đa tiềm năng riêng có, lợi thế khác biệt để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tạo ra đột phá về phát triển kinh tế - xã hội.
Với quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, Thanh Hà cần quan tâm nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, đưa phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện đạt trình độ cao hơn để đời sống vật chất, tinh thần của nhân được cải thiện; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại; an ninh được giữ vững, môi trường đảm bảo; chỉ số hạnh phúc của người dân được nâng cao hơn.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương cũng lưu ý Thanh Hà bám sát chiến lược "tăng trưởng xanh, chuyển đổi số" để có định hướng ưu tiên trong phát triển; tập trung xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh theo tinh thần của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Huyện Thanh Hà cần mở rộng quy mô sản xuất, khai thác hiệu quả quỹ đất để phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút nhà đầu tư có hàm lượng công nghệ cao; phát triển dịch vụ chất lượng cao, nhất là những dịch vụ du lịch sinh thái gắn với dòng sông Hương để phát triển du lịch hai bên bờ sông Hương, du lịch cộng đồng gắn với thương hiệu cây vải.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, bên cạnh chú trọng sản xuất quả vải đảm bảo chất lượng, Thanh Hà cần quan tâm phát triển dịch vụ homestay và các gói sản phẩm du lịch gắn với vùng vải.
Cùng với đó, địa phương cần làm tốt quy hoạch, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp; tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết bền vững, tạo giá trị kinh tế cao; giữ vững và phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sắc của địa phương như vải thiều, ổi, bưởi, rươi, cáy…
Theo ông Trịnh Văn Thiện, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà, qua 10 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thanh Hà đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Cán bộ đảng viên và nhân dân có được sự đồng thuận cao đối với việc "Chung sức xây dựng nông thôn mới".
Huyện Thanh Hà có 19 xã và 1 thị trấn, đến năm 2020 đã có 19/19 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng trong huyện được đầu tư đồng bộ, khang trang, hiện đại, diện mạo nông thôn thay đổi từng ngày; kinh tế phát triển, nông nghiệp chuyển biến mạnh mẽ; đời sống nhân dân nâng lên rõ rệt; an sinh xã hội đảm bảo; quốc phòng, an ninh được củng cố; công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị ngày càng được đổi mới...
Hiện nay, 100% các tuyến đường huyện, đường xã, đường thôn, xóm, đường ra đồng được nhựa hoá, bê tông hoá đảm bảo theo yêu cầu, 100% đường nội đồng được bê tông hoá, cứng hoá bằng gạch, đá răm đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm. Tỷ lệ trường học của huyện đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 90,16%. Đến nay, 100% các xã trong huyện có nhà văn hoá thôn, xã, sân thể thao của thôn, xã và các công trình phụ trợ cùng trang thiết bị đảm bảo đúng quy định để phục vụ cho hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, hội họp của nhân dân; các xã, thị trấn đều đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Cơ cấu kinh tế của huyện Thanh Hà chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản. Năm 2020, công nghiệp - xây dựng chiếm 47,3%; nông nghiệp - thuỷ sản chiếm 23,9% và dịch vụ - thương mại chiếm 28,8%.
Thanh Hà hiện có 29 vùng sản xuất lúa tập trung, với tổng diện tích gần 500 ha. Diện tích rau màu khoảng 2.000 ha/năm; trong đó, hàng năm có khoảng 50 ha rau màu tập trung ở 6 vùng. Nhiều mô hình nông nghiệp sạch,nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xây dựng. Hiện nay Thanh Hà có hơn 40.000 m2 nhà màng, nhà lưới trồng rau hữu cơ và hoa.
Sản xuất cây ăn quả ở Thanh Hà ngày càng phát triển. Toàn huyện có 3.273 ha vải, trong đó có 500 ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Tỷ lệ vải được bao tiêu sản phẩm đạt trên 31% và hiện đã được xuất sang nhiều thị trường cao cấp như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Australia, Singapore. Cùng với vải, huyện có trên 1.800 ha ổi, với 300 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP; 217 ha bưởi; 470 ha chuối; 350 ha quất.
Chăn nuôi ở Thanh Hà chuyển biến tích cực, xóa bỏ dần chăn nuôi nhỏ lẻ, chuyển sang chăn nuôi theo gia trại, trang trại ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ. Đến nay, huyện có 71 vùng chăn nuôi kết hợp nuôi thả thủy sản tập trung tại 19 xã với diện tích 238 ha; có 3 vùng nuôi trồng thủy sản và khai thác rươi, cáy tập trung với diện tích 145 ha.
Ngành thương mại, dịch vụ phát triển, hình thành hệ thống các cửa hàng, siêu thị mini bên cạnh các chợ dân sinh truyền thống đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện Thanh Hà đạt 54,1 triệu đồng/năm, tăng 37,7 triệu đồng/người so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 1,59%, giảm 9,27% so với năm 2011…
Trong nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà Trịnh Văn Thiện cho biết, một trong những giải pháp được huyện Thanh Hà tập trung trong thời gian tới là khuyến khích phát triển nông nghiệp đa giá trị gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm ở nông thôn.
Trước mắt, huyện mời gọi đầu tư triển khai Dự án du lịch sinh thái Sông Hương; khai thác các tour du lịch trải nghiệm tham quan và thưởng thức đặc sản của huyện tại các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung (vải thiều, ổi, bưởi...). Huyện sẽ liên kết, hình thành chuỗi tuyến các du lịch sinh thái,; trong đó lấy tuyến Du lịch sinh thái sông Hương - Cây vải Tổ thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn – khu Đồng Mẩn, xã Thanh Khê - nghệ thuật múa rối nước Thanh Hải, xã Thanh Hải là trục trung tâm...