Phục hồi bền vững bờ biển Hội An Tây

Chống sạt lở, bảo vệ bền vững bờ biển Hội An Tây là công trình đặc biệt quan trọng, góp phần đảm bảo ổn định đường bờ biển Hội An Tây một cách bền vững thông qua giải pháp toàn diện, tuân thủ nguyên tắc quản lý tổng hợp vùng bờ biển trong khu vực.

Chú thích ảnh
Các đơn vị thi công đang đẩy mạnh tốc độ thi công tuyến đê ngầm giảm sóng dài gần 2,2 km, nằm cách bờ khoảng 250m.

“Muốn phục hồi bền vững bờ biển Hội An Tây thì phải can thiệp trực tiếp vào nguyên nhân gốc rễ của vấn đề gây xói lở. Đó là sự là mất cân bằng bùn cát dọc bờ dưới tác động của dòng ven do trường sóng tạo ra. Do vậy, sử dụng giải pháp đê ngầm đỉnh thấp, thân có độ rỗng cao, có tác dụng hấp thụ, tiêu tán đáng kể năng lượng sóng tới, do đó giảm được sóng tới bờ và năng lực vận chuyển bùn cát dưới tác động của dòng chảy do sóng tạo ra tại khu vực ven bờ; kết hợp với phun cát, nuôi bãi nhân tạo để bù đắp một phần bùn cát thiếu hụt, tạo trạng thái cân bằng bùn cát mới, từ đó gây bồi và tạo lại thế cân bằng ổn định cho bãi biển, ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển Hội An Tây trong nhiều năm qua”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mai Văn Công, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Thủy lợi, đang giảng dạy tại Đại học Công nghệ Delft Hà Lan chia sẻ với phóng viên TTXVN.

Khát vọng phục hồi bền vững bờ biển Hội An Tây

Tiếp theo sau hơn 2,3 km bờ biển đã được bảo vệ từ những năm trước, thành phố Đà Nẵng đang tiếp tục xây dựng tuyến đê ngầm giảm sóng từ xa, xây dựng hệ thống mỏ hàn, sử dụng lượng cát nạo vét của việc khơi thông luồng lạch để tạo và nuôi bãi, tạo sự cân bằng trầm tích, mở rộng quy mô chống sạt lở bền vững cho bờ biển Hội An Tây, bãi biển được Tổ chức du lịch toàn cầu Tripadvisor bình chọn đẹp nhất châu Á năm 2024.

Nhiều năm kinh doanh dịch vụ du lịch tại bãi biển Hội An Tây, chị Bùi Thị Vân chia sẻ, bãi biển Hội An trước đây rất đẹp, thu hút nhiều du khách, nhất là khách quốc tế. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, bờ biển Hội An Tây liên tiếp bị sóng đánh gây sạt lở nặng, làm thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và hạ tầng du lịch, do đó lượng khách đến bãi biển này cũng giảm dần.

“Từ khi được Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đê ngầm chắn sóng, bãi biển Hội An Tây đã dần khôi phục trở lại. Bây giờ, Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng, kéo dài tuyến kè ngầm giảm sóng, bà con ở Hội An Tây rất mừng. Mong rằng sau khi xây dựng đê ngầm, bờ biển Hội An sẽ phục hồi như xưa”, chị Vân bày tỏ hy vọng.

Ông Đinh Dũng, cư dân phường Hội An Tây cho biết, sau khi được xây dựng các tuyến đê ngầm giảm sóng từ xa, tạo và nuôi bãi, bờ biển Hội An Tây kéo dài từ khu vực cửa biển Cửa Đại đến phía sau lưng phường Cẩm An (cũ), nay thuộc phường Hội An Tây, đã khắc phục triệt để tình trạng sạt lở, bảo vệ có hiệu quả hạ tầng, tài nguyên du lịch và tài sản của người dân.

“Thực tế cho thấy, trong mùa mưa bão năm 2024 vừa qua, bờ biển Hội An Tây chịu tác động của hàng chục cơn bão và áp thấp nhiệt đới, sóng to đập liên hồi vào bờ, song khu vực bờ biển được xây dựng đê ngầm giảm sóng từ xa, đã không xảy ra tình trạng sạt lở như nhiều năm trước. Điều này cho thấy các giải pháp công trình và phi công trình áp dụng trong việc chống sạt lở bờ biển Hội An Tây thật sự có hiệu quả, người dân sinh sống trong khu vực rất an tâm, các loại hình dịch vụ du lịch khu vực bờ biển và du khách đã thật sự nhộn nhịp trở lại”, ông Đinh Dũng nhận xét.

Với tổng đầu tư 42 triệu Euro, tương đương hơn 982 tỷ đồng, trong đó, vốn vay của Cơ quan Phát triển Pháp 35 triệu Euro, vốn viện trợ không hoàn lại của Liên minh châu Âu  2 triệu Euro, vốn đối ứng 5 triệu euro của thành phố Đà Nẵng, các đơn vị thi công đang đẩy mạnh tốc độ thi công tuyến đê ngầm giảm sóng dài gần 2,2 km, nằm cách bờ khoảng 250m, xây dựng nhiều mỏ hàn, sử dụng lượng cát nạo vét để tạo và nuôi bãi, tạo sự cân bằng trầm tích, giảm nguy cơ xói lở cho hơn 3 km bờ biển Hội An Tây trong mùa mưa bão.

Thuận theo tự nhiên để trị gốc rễ căn bệnh gây sạt lở

Chú thích ảnh
Hàng nghìn khối Holhquader đúc sẵn được tập kết để xây dựng đê ngầm.

Kỹ sư Trần Văn Đạt - Chỉ huy trưởng công trình cho biết, đê ngầm giảm sóng từ xa xây dựng tại vùng biển Hội An Tây được áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới, thân thiện với môi trường trong quá trình thi công. Các đơn vị đã triển khai đạt 80% khối lượng đá hộc và khối Holhquader đúc sẵn cho đê ngầm. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các đơn vị thi công sử dụng hàng chục bộ thiết bị chuyện dụng, hơn 100 công nhân, kỹ sư, tổ chức thi công ở hai mũi, phấn đấu đến trước mùa mưa bão năm 2025 sẽ đạt 60% khối lượng ở hạng mục chính là đê ngầm giảm sóng từ xa, hoàn thiện công trình trong năm 2026.

Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam, nhà cung cấp vốn vay ODA cho dự án Herve CONAN chia sẻ, công trình chống sạt lở khẩn cấp bờ biển Hội An Tây khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng sạt lở bờ biển, đảm bảo an toàn cuộc sống người dân và thúc đẩy hoạt động kinh doanh, đặc biệt ở lĩnh vực du lịch. Công trình này cũng sẽ tạo thêm cơ hội việc làm, tăng cường khả năng ứng phó của người dân trước tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mai Văn Công - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Thủy lợi, hiện đang giảng dạy tại Đại học Công nghệ Delft Hà Lan, cũng là tác giả của giải pháp bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, nguyên nhân gốc rễ của vấn đề xói lở tại khu vực bờ biển Hội An Tây là mất cân bằng bùn cát dọc bờ dưới tác động của dòng ven do trường sóng tạo ra.

“Do vậy, sử dụng giải pháp đê ngầm đỉnh thấp, thân có độ rỗng cao, có tác dụng hấp thụ, tiêu tán đáng kể năng lượng sóng tới, do đó giảm được sóng tới bờ và năng lực vận chuyển bùn cát dưới tác động của dòng chảy do sóng tạo ra tại khu vực ven bờ; kết hợp với phun cát, nuôi bãi nhân tạo để bù đắp một phần bùn cát thiếu hụt, tạo trạng thái cân bằng bùn cát mới, từ đó gây bồi và tạo lại thế cân bằng ổn định cho bãi biển, hạn chế đáng kể xói lở bờ”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mai Văn Công chia sẻ.

Chú thích ảnh
Sử dụng thiết bị chuyên dụng để gia cố phần móng của tuyến đê ngầm giảm sóng từ xa.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mai Văn Công, giải pháp này vận dụng theo công nghệ tiên tiến bảo vệ bờ biển của Hà Lan, thuận theo tự nhiên, kết hợp hài hòa giữa yếu tố “công trình” với nuôi bãi bằng cát biển tự nhiên. Trong thiết kế đã có sự vi chỉnh phù hơp với điều kiện tự nhiên tại khu vực dự án. Thực tế cho thấy, qua thời gian vận hành sau một số mùa mưa bão, giải pháp đã chứng minh được tính ưu việt với hiệu qủa cao, hạn chế được tác động trực tiếp của trường sóng gây xói lở đường bờ và khôi phục lại được bãi cát dọc bờ, đáp ứng tốt mục tiêu bảo vệ bền vững bờ biển Hội An.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Quang Bửu cho biết, trước tình hình cấp thiết về bảo vệ bờ biển Hội An Tây khỏi nguy cơ xâm thực ngày càng sâu vào đất liền, hàng loạt giải pháp công trình và phi công trình, nhất là công trình đê ngầm, mỏ hàn và tạo bãi đã được triển khai thực hiện. Với tổng đầu tư lên đến hơn 982 tỷ đồng, đê ngầm giảm sóng và các hạng mục đi kèm, đang được thực hiện tại bờ biển Hội An Tây được kỳ vọng sẽ được tăng cường khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng sạt lở nghiêm trọng trong nhiều năm qua.

“Chống sạt lở, bảo vệ bền vững bờ biển Hội An Tây là công trình đặc biệt quan trọng, góp phần đảm bảo ổn định đường bờ biển Hội An Tây một cách bền vững thông qua giải pháp toàn diện, tuân thủ nguyên tắc quản lý tổng hợp vùng bờ biển trong khu vực. Công trình đưa vào sử dụng trong năm 2026 sẽ bảo vệ đất đai, tài sản của hơn 1.300 hộ dân phường Hội An Tây và khu vực lân cận, bảo vệ cơ sở hạ tầng, tài nguyên du lịch của Hội An Tây nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung, đồng thời tăng cường khả năng thích ứng của cộng đồng trước sự tác động ngày càng khốc liệt và khó lường của biến đổi khí hậu”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Quang Bửu chia sẻ thêm.

Bài và ảnh: Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim
Phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim

Ngày 12/12, tại Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông), UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ công bố Đề án “Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN