Đầu tháng 10 vừa qua, Ban Quản lý vịnh Nha Trang ghi nhận có rùa biển trở lại ở vịnh. Đây là tín hiệu cho thấy, môi trường vịnh Nha Trang có những thay đổi tích cực.
Tỉnh Khánh Hòa đã khoanh vùng, không cho phép khai thác thủy sản, không tổ chức các hoạt động du lịch lặn biển để bảo vệ san hô.
Theo ông Đàm Hải Vân, Phó trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang, khảo sát trên vùng biển lõi vịnh Nha Trang thời gian gần đây của đơn vị cho thấy, số lượng loài hải sản quay về nhiều hơn, các sinh vật biển như cá, rùa... dần đa dạng. Với san hô, trong điều kiện tự nhiên thuận lợi nhất, loại sinh vật này phát triển khá chậm. Tại vùng biển vịnh Nha Trang, tình hình san hô phát triển có nhiều dấu hiệu tích cực, có khu vực đạt 5% độ phủ san hô, tuy nhiên, có khu vực, tỷ lệ sống, độ bao phủ còn thấp chỉ từ 1-2%.
Khảo sát các hệ sinh thái tại khu vực sông Lô - Cù Hin và Hòn Lao - Lương Sơn, kết quả sơ bộ cho thấy, khu vực biển này, hiện nay có điều kiện tự nhiên khá tốt. Trước kia, nơi đây từng tồn tại các rạn san hô lớn, vùng giá thể tự nhiên để san hô phục hồi có diện tích rộng, một số loài bắt đầu hình thành và phát triển tốt. Để có đầy đủ cơ sở khoa học, Ban Quản lý đang triển khai các bước phối hợp với chuyên gia khảo sát hiện trạng san hô ở hai khu vực trên từ đó đề xuất giải pháp, phương án quản lý, bảo tồn trong thời gian tới.
Viện Hải dương học khảo sát tháng 12/2023, hiện trạng san hô khu vực biển Hòn Mun sau 1 năm tạm dừng các hoạt động cho thấy, tình trạng rạn san hô ở Hòn Mun đang có dấu hiệu phục hồi nhưng rất chậm sau các biến cố do bão. Đối với rạn san hô Hòn Chồng, qua khảo sát hiện trạng, kết quả cho thấy, các dấu hiệu tích cực của các rạn đã và đang trong quá trình phục hồi. Các loài cá rạn đã xuất hiện khá nhiều tại vùng biển này. Tuy nhiên, khu vực này san hô đang bị tẩy trắng bởi nhiệt độ nước biển tăng cao do biến đổi khí hậu trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến hết tháng 6/2024.
Kết quả trên là nỗ lực rất lớn của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh Khánh Hòa. Ban Quản lý vịnh Nha Trang thường xuyên kiểm tra, giám sát hệ sinh thái rạn san hô, bắt sao biển gai và nhặt rác đáy biển Hòn Mun...
Để môi trường biển ở vịnh Nha Trang phục hồi trở lại, đa dạng sinh học, bên cạnh điều kiện tự nhiên phải thuận lợi, rất cần giải pháp bảo vệ môi trường tổng thể từ nhân lực, nguồn lực cho đến cơ chế chính sách… Đối với sinh vật biển, khi môi trường nước tốt, thức ăn phong phú sẽ quay về kiếm ăn. Hy vọng thời gian tới, một số loài tiếp tục quay trở về, phát huy thêm đa dạng sinh học, nguồn gen trong vịnh Nha Trang, ông Đàm Hải Vân thông tin.
Vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Ở đây, có quần thể sinh thái biển đa dạng, phong phú từ san hô, thảm cỏ biển, cho tới rừng ngập mặn, vùng đáy mềm hoặc vách đá, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô ở Hòn Mun được công nhận là phong phú.
Năm 2022, Ban Quản lý vịnh Nha Trang và các cơ quan chức năng phát hiện tình trạng suy thoái hệ sinh thái tại Hòn Mun - vốn là vùng lõi của vịnh. Việc suy giảm này được đánh giá phần lớn là do quá trình chịu tác động tích lũy từ nhiều năm, gồm nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan dẫn đến việc suy giảm rạn san hô ở Hòn Mun là do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của bão Damrey năm 2017 và bão số 9 năm 2021; không có hiện tượng axít hóa đại dương. Từ đây “báo động đỏ” tình trạng “tẩy trắng” san hô ở vịnh Nha Trang. Trước tầm quan trọng, cấp thiết về việc giữ gìn và phục hồi rạn san hô trong vịnh Nha Trang nói chung, khu vực biển Hòn Mun nói riêng, cuối tháng 11/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030.