Đối thoại tìm giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa ở vịnh Nha Trang

Ngày 30/11, tại thành phố Nha Trang, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa phối hợp với các đơn vị trong tỉnh thực hiện đối thoại thực trạng và giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa.

Chú thích ảnh
Bà Phan Thị Hòa Bình, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa phát biểu. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN

Khoảng 80 đại biểu đến các Viện, Trung tâm nghiên cứu, trường đại học, sở, ban, ngành liên quan, công ty du lịch, cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh tham dự.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa”.

Cuối năm 2022, nhằm góp phần chung tay bảo vệ môi trường, giữ gìn và phục hồi rạn san hô trong vịnh Nha Trang nói chung, khu vực biển Hòn Mun nói riêng, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với vai trò của mình tham gia nhiều hoạt động, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao kiến thức của chị em nói riêng, người dân nói chung về cách ứng xử thân thiện môi trường vịnh Nha Trang, trong công tác phòng, chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn rạn san hô.

Chú thích ảnh
Các đại biểu thảo luận về giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN

Bà Phan Thị Hòa Bình, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa, Phó trưởng Ban Điều hành Dự án nhấn mạnh, phụ nữ có vai trò rất lớn trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác thải tại nguồn, sử dụng, tái chế, thu hồi và chôn lấp rác thải hợp vệ sinh… Để làm tốt hơn nữa Dự án nói chung, hạn chế rác thải nhựa nói riêng, buổi đối thoại rất quan trọng nhằm xem xét thực trạng và tìm ra giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa hiệu quả.

Tại buổi đối thoại, các đại biểu tập trung tìm ra nguyên nhân, giải pháp hạn chế sử dụng túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần; tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và hệ sinh thái tỉnh Khánh Hòa; đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phòng, chống rác thải nhựa. Một số đại biểu đề xuất giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và rạn san hô.

Chị Nguyễn Thị Kim Hoa, Đội trưởng Đội bảo vệ Ban Quản lý vịnh Nha Trang cho biết, từ ngày 1/10, Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang đã đưa ra quy định “không cho du khách sử dụng nhựa một lần qua bến tàu và Khu bảo tồn Hòn Mun". Chị cũng mong muốn, các công ty kinh doanh dịch vụ trên vịnh không sử dụng nhựa dùng một lần; tuyên truyền, hạn chế sử dụng rác thải nhựa trên vịnh để vịnh Nha Trang xanh, sạch, đẹp, nhất là khu bảo tồn môi trường biển được phát triển bền vững.

Chú thích ảnh
Các đại biểu thảo luận nhóm về thoại thực trạng và giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN

Ông Cung Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cũng chia sẻ những kết quả ngành Du lịch đạt được trong công tác bảo vệ môi trường biển. Sở đã tổ chức nhiều chương trình, sự kiện nói không với rác thải nhựa, tạo nếp sống xanh trong ngành Du lịch, triển khai lặn biển để nhặt rác thải... Để bảo vệ môi trường biển, vai trò của nhiều ngành cùng thực hiện là rất lớn.

Theo đại diện Công ty Cổ phần môi trường đô thị Nha Trang, tại thành phố Nha Trang, công ty thu gom 550 tấn rác/ngày, những ngày cuối năm từ 1.000-1.300 tấn rác/ngày. Trong quá trình thu gom rác, các nhân viên công ty thực hiện phân loại rác thải nhựa có thể tái chế. Việc thu gom rác thải trên biển gặp rất nhiều khó khăn do đặc thù địa lý. Do đó, công ty mong muốn tất cả mọi người, nhất là ngư dân tham gia đánh bắt trên biển cùng chung tay bảo vệ môi trường.

“Nếu hành động tập thể nhưng không hành động liên ngành, liên tập thể thì sẽ không đạt hiệu quả trong việc hạn chế rác thải nhựa và rất khó để bảo tồn vịnh Nha Trang. Đặc biệt, cần có chu trình khép kín trong việc quản lý rác thải nhựa, phải chọn một số hành động cụ thể để nhân rộng ở ven vịnh Nha Trang...”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, đại diện Ban Chỉ đạo Quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn nêu giải pháp.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, nếu từng người dân thấm nhuần lối sống thân thiện môi trường, hạn chế sử dụng rác thải nhựa với những hành động thiết thực sẽ góp phần làm cho biển Nha Trang trở nên xinh đẹp.

Khánh Hòa là tỉnh ven biển, có hệ sinh thái đa dạng, là tiền đề cho phát triển đa dạng các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, nhất là du lịch biển, cảng biển, đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản. Tuy nhiên, cùng với phát triển, vùng biển và ven biển đang "hứng” lượng lớn rác thải nhựa từ sinh hoạt, sản xuất, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, gây ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái, làm cho môi trường biển bị xâm hại, ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên cũng như sinh kế của người dân. Gần đây, môi trường vịnh Nha Trang nói chung, rạn san hô tại khu vực biển Hòn Mun nói riêng đang có biểu hiện suy thoái do nhiều nguyên nhân, trong đó có rác thải nhựa.

 Phan Sáu (TTXVN)
Thực trạng rác thải nhựa toàn cầu
Thực trạng rác thải nhựa toàn cầu

Theo các tổ chức phi chính phủ, một hiệp ước mạnh mẽ mang tính ràng buộc là cần thiết trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm nhựa dự báo sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu không ngăn chặn kịp thời. Sản lượng nhựa hàng năm hiện ở mức 460 triệu tấn, tăng hơn gấp đôi trong 20 năm qua và có thể tăng gấp 3 vào năm 2060 nếu không có biện pháp nào được thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN