Nhiều khu du lịch “ngập” rác thải nhựa
Theo thống kê từ Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), lượng rác thải nhựa xả ra môi trường tại các điểm đến du lịch ngày càng lớn khiến cho các khu du lịch đã và đang phải đối mặt với hiện tượng ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa như: Vịnh Hạ Long, trung bình 4 tấn rác thải/ngày đêm, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển; Đà Nẵng: 1.100 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó rác thải nhựa chiếm 17%; Tuy Hòa (Phú Yên): 524 tấn rác thải/ngày đêm, rác thải nhựa chiếm 18,31%; Rạch Giá (Kiên Giang): 250 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó 4,48 tấn rác thải rắn/ngày thải ra môi trường.
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, rác thải nhựa tác động xấu đến các hoạt động du lịch, gây ô nhiễm môi trường. Sự tồn tại của rác thải nhựa làm mất đi cảnh quan đẹp và sự hấp dẫn của các khu, điểm du lịch, gây phản cảm cho khách du lịch, đặc biệt với du lịch biển, đảo; giảm doanh thu và đóng góp của ngành du lịch, ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương. Nếu không có các biện pháp giảm thiểu, lượng phát sinh rác thải nhựa từ hoạt động du lịch năm 2030 sẽ cao gấp khoảng 3 lần so với năm 2019. Đây là áp lực rất lớn đến môi trường, đặc biệt tại các khu du lịch biển.
Việt Nam đã có đầy đủ những chính sách quy định về quản lý rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, tuy nhiên, hiện nay vấn đề rác thải nhựa trong du lịch vẫn là vấn đề nhức nhối và là thách thức đối với ngành du lịch.
Công cụ giúp khách du lịch “kiêng” đồ nhựa dùng một lần
Bắt đầu từ năm 2020, WWF đã phối hợp cùng Cục biển và Hải đảo triển khai dự án “Giảm thiểu Rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng xã hội về mối liên quan giữa việc xả chất thải nhựa và hậu quả tiêu cực lên môi trường và sức khỏe.
Qua hơn 3 năm triển khai, Dự án đã phối hợp với các thành phố và điểm đến du lịch triển khai nhiều mô hình và giải pháp giảm chất thải nhựa và bảo vệ hệ sinh thái tại địa phương.
Trong mục tiêu đó, Dự án đang triển khai một chương trình truyền thông thay đổi hành vi với mục tiêu thúc đẩy không chỉ du khách, mà còn cả cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực du lịch cùng chung tay bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và sinh kế bền vững tại địa phương.
Website Kiêng Nhựa (www.kiengnhua.vn) là một điểm nhấn trong chương trình truyền thông thay đổi hành vi mà Dự án triển khai trong năm 2023. Lần đầu tiên được giới thiệu trong dự án, đây là một công cụ giúp du khách đo lường mức độ ảnh hưởng đến môi trường của từng món đồ nhựa dùng 1 lần như chai nhựa, túi nilon, hộp nhựa/hộp xốp, ly nhựa, đồ chăm sóc vệ sinh dùng 1 lần,... Từ đó, du khách có thể lựa chọn: hoặc tiếp tục sử dụng nhựa dùng 1 lần, hoặc lựa chọn “kiêng” sử dụng và lựa chọn các sản phẩm thân thiện môi trường hơn. Bằng cách đó, du khách có thể tự đánh giá mức đóng góp trực tiếp của mình vào việc bảo vệ môi trường, sửa soạn hành lý “xanh hơn” và điều chỉnh hành vi dùng đồ nhựa có trách nhiệm hơn trong mỗi chuyến du lịch.
Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
“Đây là một mục tiêu tham vọng, nhưng với sự quyết tâm của người dân, của du khách cũng như của các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương tại các điểm đến du lịch, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được điều này. Thông qua các thông điệp và hướng dẫn điều chỉnh hành vi tại trang website Kiêng nhựa, chúng tôi cũng hy vọng du khách sẽ thấy được mỗi hành động tích cực của họ, dù là nhỏ nhất, dù là sớm hay muộn, cũng có thể mang lại những tác động môi trường tích cực”, ” ông Tạ Anh Tuấn, Quản lý Hợp phần Truyền thông và Giáo dục, Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam, cho biết.
Trong chương trình này, Dự án cũng phối hợp với chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương tại hai điểm đến nổi tiếng là Phú Quốc và Côn Đảo. Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền trên báo chí và mạng xã hội, Dự án cũng phối hợp với chính quyền và cơ quan đoàn thể tổ chức các buổi tập huấn về giảm thiểu chất thải nhựa cho cộng đồng doanh nghiệp.
Đồng thời, xây dựng và ban hành các quy định giảm thiểu, tiến tới cấm sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần và đốt vàng mã lãng phí tại các điểm di tích lịch sử, xây dựng và phát sổ tay hướng dẫn giảm thiểu chất thải nhựa cho hướng dẫn viên du lịch, đặt các bảng/biển thông tin tuyên truyền tại sân bay, ga tàu, cũng như vận động và hướng dẫn thực hành giảm nhựa dùng 1 lần tại các cơ sở kinh doanh lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống...