Bình Chánh là huyện nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của TP Hồ Chí Minh, có diện tích tự nhiên hơn 25.000ha, với 16 xã, thị trấn, dân số cư trú thực tế vào năm 2021 gần 850.000 người. Năm 2010, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình và ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, huyện Bình Chánh đã nhanh chóng thực hiện trên cơ sở các xã tiến hành xây dựng và triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn từng xã với mức xuất phát điểm thấp, trung bình đạt 5/19 tiêu chí.
Đặc biệt, việc thực hiện một số tiêu chí còn nhiều khó khăn như quy hoạch chưa được phê duyệt; hạ tầng về giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, y tế... chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.
Các lĩnh vực kinh tế trên địa bàn như sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ đều nhỏ lẻ; nông nghiệp chủ yếu trồng cây lâu năm, lúa nước; kinh tế tập thể chưa hình thành; tỷ lệ hộ nghèo còn cao (năm 2010, huyện có 11.938 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,5%); thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp (trung bình 17,39 triệu đồng/ người/năm); tình trạng ô nhiễm môi trường nhất là rác thải, nước thải... diễn biến phức tạp.
Mặt khác, việc gia tăng dân số cơ học nhanh, trên 30.000 người/năm cũng làm ảnh hưởng nhất định đến việc duy trì và giữ vững một số tiêu chí trong giai đoạn xây dựng và giai đoạn nâng cao liên quan đến tiêu chí về trường học, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh...
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của người dân, qua 10 năm xây dựng nông thôn mới diện mạo huyện Bình Chánh đã có sự thay đổi mạnh mẽ, phát triển vượt bậc theo hướng đô thị văn minh, hiện đại.
Hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư; thu nhập tăng cao, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Đến năm 2020, huyện Bình Chánh đã có 14/14 xã được thành phố công nhận hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, huyện đạt 9/9 tiêu chí nông thôn mới.
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện uỷ huyện Bình Chánh cho biết, trong hơn 10 năm qua, “Chung sức xây dựng nông thôn mới” đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trên toàn huyện; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp và toàn xã hội, nhất là sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân.
Cụ thể, huyện Bình Chánh đã huy động nguồn lực đầu tư trên 12.595 tỷ đồng; trong đó ngân sách Thành phố là 5.413 tỷ đồng, vốn vay tín dụng là 1.044 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp là 4.042 tỷ đồng và vốn trong nhân dân là 2.095 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân đã tự nguyện hiến hàng triệu mét vuông đất làm các công trình với tổng số tiền 1.853 tỷ đồng và đóng góp hơn 242 tỷ đồng.
Nhiều mô hình hay, hiệu quả của các cá nhân được phát triển và không ngừng nhân rộng. Từ chỗ trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, người dân đã tích cực tham gia, tự nguyện đóng góp sức người, sức của cho xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, từ chỗ thụ động, người dân đã chuyển sang chủ động bàn bạc, tham gia đóng góp ý kiến, lựa chọn nội dung, công việc xây dựng nông thôn mới và tham gia kiểm tra, giám sát các công theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Theo ông Trần Văn Nam, để có được những kết quả trên, đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của các địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ, tâm huyết, nhiều nơi đã có tư duy bứt phá vươn lên, cách làm mới, phát huy sự sáng tạo của cơ sở để thực hiện hiệu quả các tiêu chí.
Điển hình, hạ tầng giao thông nông thôn giai đoạn 2010-2020 tăng cả về số lượng và chất lượng. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, đã triển khai thực hiện đầu tư, nâng cấp, mở rộng, cải tạo 709 công trình giao thông nông thôn với tổng chiều dài 713,539km; trong đó, có 56 tuyến đường trục xã, liên xã, 190 tuyến đường trục ấp, liên ấp được nhựa hóa, bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 358 tuyến hẻm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; 76 tuyến đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa và đi lại thuận tiện
Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục có nhiều khởi sắc trên cơ sở hình thành các chuỗi cung ứng hàng hóa gắn kết vùng với năng suất và chất lượng ngày càng cao.
Ngoài ra, huyện cũng tập trung phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, vừa tăng thu nhập cho người dân, vừa góp phần quan trọng giảm nghèo bền vững.
Theo đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của huyện đạt 69,593 triệu đồng/người/năm, tăng 1,7 lần so với năm 2015 (40,452 triệu đồng/người/năm) và tăng 4 lần so với lúc khởi điểm xây dựng đề án nông thôn mới.
Đặc biệt, huyện không còn hộ nghèo có thu nhập từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống. Tổng số hộ nghèo có thu nhập từ 28 triệu đồng/người/năm trở xuống hiện nay là 534 hộ và hộ cận nghèo là 1.335 hộ, chiếm 0,69% so với tổng số hộ dân.
Biểu dương những kết quả mà huyện Bình Chánh đạt được, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhận định, trong quá trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Bình Chánh có xuất phát điểm thấp và có rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay, dưới sự lãnh đạo tập trung của các cấp uỷ Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, sự tham gia chủ động của người dân trong việc thực hiện chương trình, bộ mặt nông thôn mới ngoại thành của TP Hồ Chí Minh đã thực sự thay đổi và đạt được nhiều kết quả tích cực.
“Bình Chánh có vị trí đặc biệt khi là cửa ngõ phía Tây Nam của TP Hồ Chí Minh, tiếp giáp vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm phía Nam. Với những thành quả đã đạt được, cùng với những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai xây dựng chương trình nông thôn mới trên trên địa bàn, lãnh đạo Thành phố tin tưởng huyện Bình Chánh sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, xây dựng huyện sớm trở thành một đô thị nông nghiệp sinh thái, một đô thị vệ tinh của TP Hồ Chí Minh trong tương lai”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.